thu,  VĂN

Mùa Thu Không Trở Lại – Hoàng Nam

Kính chào Quý vị,

Mùa thu năm nay cũng như bao năm nó xuôi ngược lại trở về trên đất khách quê người và nó cũng lại trở về trên mái ấm diễn đàn của chúng ta, đã gợi lên biết bao niềm thương nhớ của những ngày xưa thân ái, đã mang lại cho tha nhân, cho những tâm hồn thi sĩ một chút lãng mạn nào đó để cảm tác theo sự quyến rũ tuyệt tác của mùa thu qua những bài thơ thật hay, thật trữ tình dù nó vốn dĩ vẫn ngậm ngùi trong ly biệt. Có những điều gì đó đôi lúc rất khó hiểu đã thôi thúc chúng ta tìm lại với nhau để chia sẻ những buồn vui về mùa thu, không ngoại trừ những vết thương đã tàn phai hay những câu chuyện tình buồn nhất đã xẩy ra dù nay thật sự nó đã chìm trong dĩ vãng. Chắc có lẽ Quý vị nói đúng, có những thứ tình không thể một sớm, một chiều mượn rượu để giải sầu, như nỗi sầu của một người đứng tuổi trong câu chuyện dưới đây chẳng hạn, không cần Quý vị phải tin nhưng chắc chắn Quý vị sẽ đo lường được sự diễm phúc sẳn có của Quý vị đang ở tầm mức nào khi Quý vị đọc qua nó. Câu chuyện được Hoàng Nam viết theo lời kể của một nhân chứng, nếu Quý vị nào không thích đọc xin mời lật sang một trang khác để tìm những điều thú vị hơn, riêng những vị nào còn có những trái tim biết rung động bình thường của một con người xin hãy cùng chúng tôi bỏ vài phút để chia sẻ cũng như để biết được hạnh phúc thực sự của chúng ta nó đang nằm ở chổ nào mà có thể chúng ta đã vô tình không nhìn thấy. Người xưa có câu “Nói không bằng suy ngẫm” vậy bây giờ xin mời Quý vị hãy cùng HN suy ngẫm qua câu chuyện đắng cay của một lão già bất hạnh dưới đây mang tựa đề “Mùa Thu Không Trở Lại”, để chúng ta cùng cảm nhận nổi buồn của một mùa thu đang hiện thực nó…buồn như thế nào, kính mời.

 

 

MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI

Hoàng Nam

Cơn gió se lạnh tôi kéo cao chiếc cổ áo, ngẩng đầu nhìn những tàng cây trên khu công viên đầy thơ mộng nầy dường như nó đã bắt đầu hơi ngã màu vàng uá, tôi biết mùa thu vừa trở lại. Tôi rất thích ngắm nhìn mùa thu nơi đây, vì nó gợi trong tôi những kỷ niệm vui buồn của một thời niên thiếu đã qua. Vả lại, khu công viên Heaven Gaden park nầy thật đẹp, tôi thích nó vì nó mang một vẻ đẹp thiên nhiên hơn là gầy dựng một kiến trúc giả tạo, nhìn nó chẳng khác gì khung cảnh cuả một trời Paris nên thơ rất hùng vĩ. Tôi vẫn thường đạp xe trên công viên nầy vào những lúc rảnh rỗi, hoặc vào những ngày chủ nhật, để tâm hồn được thư vãn lắng đọng sau những ngày dài vùi đầu trong công việc mệt nhọc. Đạp xe suốt một đoạn đường quanh co khá dài, tôi thường dừng lại nghỉ xả hơi trên một chiếc ghế đá cô đơn, tôi gọi nó cô đơn là vì dường như suốt ngày tôi chẳng thấy ai thèm ngồi lên nó, ngoài tôi. Từ con dốc nầy nhìn xuống là một bờ hồ tuy khá nhỏ nhưng cũng rất thơ mộng. Trên chiếc ghế đá đối diện xa xa kia, và ngày nào cũng vậy tôi bắt gặp một lão già chừng hơn sáu mươi lăm tuổi vẫn ngồi một mình âm thầm cô đơn như pho tượng đá, ánh mắt của lão vẫn hướng về bờ hồ xa xâm kia như đang nặng trĩu một tâm tâm nào đó rất khó tả. Tôi bước xuống bên cạnh lão và cố tình đến làm quen với lão vì dù sao lão cũng là người đồng hương rất hiếm hoi ở đây. Khi được biết tên lão là Nguyễn Văn H đến từ VN và định cư ở đây được hơn hai năm, tôi liền hỏi thăm về thân thế của lão. Lúc đầu lão nhìn tôi với ánh mắt ngại ngùng không muốn nói, nhưng chỉ sau một vài giây đắn đo với dòng suy nghĩ thật buồn  của lão, lão mới mời tôi ngồi xuống bên cạnh và từ từ chậm rải kể lại đầu đuôi cho tôi nghe về thân thế thê lương cuả lão như thế nầy: “Cậu ơi, lẽ ra tôi không muốn vạch áo cho người ta xem lưng đâu, nhưng trong hoàn cảnh của tôi, tôi không biết phải làm sao để giải quyết cho số phận hẩm hiu của tôi nữa cậu à. Chuyện nó như vầy, ngày xưa tôi là lính cấp bật Đại uý, sau ngày mất nước tôi bị đưa đi tù cải tạo mất tám năm và sau khi được trả về tôi chỉ  là một thằng bệnh hoạn lao phổi sắp chết, may nhờ có vợ tôi, thiệt tội nghiệp cho bà ấy phải chạy đôn, chạy đáo để kiếm tiền chữa bệnh cho tôi. Đến khi tôi hồi phục thì mới biết bả đã bán đi hết đồ đạt và luôn cả căn nhà đang ở để lấy tiền cứu mạng tôi. Cậu biết không, vợ tôi là một người đàn bà suốt đời chỉ biết lo cho chồng con mà đã quên cả bản thân mình. Lúc trước khi đi tù tôi có đưa bà một số vàng để hộ thân khi cần, nhưng bà lại lấy nó đem giúp cho thằng con tới tuổi nghiã vụ cuả tôi đi vượt biên. Nghe nói đâu lúc đó số vàng vợ tôi tròng cho người ta vẫn chưa đủ, mà bên chủ tàu thì cứ hối thúc mãi buột vợ tôi phải đánh liều đi mượn bọn cho vai lải nặng mới gom đủ số vàng cho nó ra đi, cuối cùng rồi thằng con tôi cũng qua lọt tới Mỹ, nhưng vợ tôi thì bị bọn côn đồ đánh đến đổ máu vì không trả nổi số tiền lời của họ cho vai nên đã bị người ta xiết nhà lấy hết đồ đạt mà đem đi (Nói đến đây ông ôm mặt khóc tức tưởi một hồi rồi mới nghẹn ngào kể tiếp). Sau ngày bán nhà, vợ chồng tôi phải ăn nhờ ở đậu nhà người quen, đến khi có tên đi Mỹ theo diện H.O vợ chồng tôi vì không còn nhà cửa ở VN nên mới nải ý định sang Mỹ định cư tại nhà thằng con trai tôi, vì nghĩ rằng nó là thằng con duy nhất có thể lo cho vợ chồng tôi. Nào ngờ, khi qua đến đây mới biết vợ chồng nó đối xử với chúng tôi còn tệ hơn kẻ ăn người ở trong nhà. Ngày ngày tụi nó bắt chúng tôi phải làm đủ thứ việc từ nấu ăn, giặt giũ, ũi quần áo, dọn dẹp nhà cửa làm sạch vườn tược trong ngoài và còn chăm nuôi cho 2 đứa con nó không chừa một thứ gì trên đời nầy, nhưng ăn thì tụi nó lại không cho chúng tôi ăn chung bàn mà bắt chúng tôi phải ăn riêng, diện cớ là cho chúng tôi ăn kiêng để giữ gìn sức khoẻ, nhưng đa phần là ăn cơm thừa canh cặn của tụi nó để lại. Cuộc sống cứ vậy mà trôi đến hai năm sau, vào một buổi sáng mà tôi nghĩ dù có chết tôi cũng không thể nào mà quên được. Hôm đó có người chị của đứa con dâu tôi đến chơi và nán lại ăn uống cho tới chiều tối mới về, khi cô chị con dâu tôi về rồi, nào ngờ tối lại bỗng đứa con dâu tôi la toáng lên là mất chiếc nhẩn hột xoàn 2 cara gì đó kỷ niệm ngày cưới của vợ chồng nó, rồi nghi oan cho vợ tôi lấy nên đòi vào phòng chúng tôi lục soát, lúc đó tôi tức quá không còn nhịn được nữa nên tôi lôi thằng con tôi ra ngoài tát cho nó một bạt tay về tội không biết dạy vợ nó, tôi nói “Mẹ mày cũng vì lo chạy tiền cho mày đi vượt biên, mà phải bị người ta đánh đến lỗ đầu đổ máu mà mẹ mày có than tiếng nào đâu, có tính toán gì với mày đâu, sao mày lại báo hiếu bằng cái kiểu mất dạy nầy vậy hả? Nếu tao biết trước lòng dạ của mày chẳng khác gì súc vật thì thà để tao chết trong tù còn hơn qua đây để gặp mặt mày”. Tôi biết sau câu mắng ấy thằng con tôi cũng có chút ăn năn nhưng vì thế phản công cuả vợ nó quá mạnh nên đã che mất hẳn lương tâm của nó rồi, thế là tụi nó có cớ, có quyền đòi đuổi chúng tôi ra ngoài, đuổi cha mẹ ruột nó ra đường đó cậu à, cũng không ngờ vì chuyện nầy mà vợ tôi buồn tức tưởi mà sanh bệnh cho đến chết mới đau chứ, bỏ lại tôi sống bơ vơ cô độc một mình. Và từ ngày vợ tôi ra đi thì mọi việc còn chồng chất cho tôi còn nhiều hơn nữa. Có bao giờ cậu nghe người ta nói cái câu“hoạ vô đơn chí “là gì chưa?, nếu chưa thì cậu nhìn cánh tay tôi thì sẽ biết. Có một bửa tôi đang ngồi ăn cơm thì bổng dưng tôi bị té xuống đất chết giấc, khi tỉnh lại thì một cánh tay tôi đã bị xuội lơ rồi không còn hoạt động gì được nữa, tôi bàng hoàng và buồn muốn đứt ruột luôn cậu à, và từ ngày mất đi cánh tay ấy tôi đã trở thành một kẻ vô dụng phế thải, một gánh nặng cho thằng con trai tôi vì cứ bị vợ nó cằn nhằn suốt ngày, thiệt buồn lắm cậu ơi, nên mỗi lần có mặt tụi nó ở nhà là tôi cứ xách theo miếng bánh mì và chai nước lạnh mà đi lang thang ngoài công viên nầy cho tới chiều tối mới dám mò về nhà, thiệt tôi cũng không còn biết phải tính làm sao đây nữa cậu ơi?”… Nghe đến đây tôi mới hiểu và rất thông cảm cho nỗi lòng của lão, tôi thực sự không ngờ trên cỏi đời nầy lại có những đứa con bạc tình, bạc nghiã đến như vậy và cũng kể từ đó cứ mỗi lúc rảnh rỗi hoặc vào những ngày cuối tuần là tôi đến công viên nầy để tìm lão, để làm bạn với lão. Thường tôi hay mang theo cá kho, thịt nguội hoặc một ít chà bông tới biếu lão, lúc đầu lão ái ngại không dám nhận, nhưng tôi đã đem tình cảm chân thật của mình để thuyết phục lão từ từ rồi lão cũng cảm nhận được sự chân thành của tôi mà rớt nước mắt đón lấy. Cũng may tôi với lão có cùng một thú tiêu khiển là đánh cờ tướng, quả thật lão là một tay cao thủ có hạng, lão hay nhường cho tôi một hoặc hai nước cờ vậy mà tôi vẫn thua cho lão dễ dàng như vậy mới tức chứ. Mối tình một già, một trẻ của tôi và lão vậy mà cũng kéo dài được hơn hai tháng, có một lần khi tôi đang nắm con cờ định giơ cao“chiếu tướng” thì bất ngờ lão chụp cánh tay tôi lại lão nói. “Cậu S à, cậu thật tốt với tôi quá, giá mà cậu là con trai cuả tôi thì dù có chết sớm tôi cũng thấy được mãn nguyện lắm đó”. Tôi nói đùa lại với lão. “Thì bác có con gái gả cho cháu là được liền chứ gì..hihi.” câu nói của tôi không làm cho lão tức cười chút nào mà hình như tôi thấy trong đôi mắt lão lại rưng rưng như sắp khóc, lão nói “Khi tôi chết, thằng con tôi không xứng đáng nhận hài cốt của tôi, tôi chỉ ước mong sao có một người tốt bụng nào đó đem hài cốt cuả tôi chôn tại đây để tôi được ngắm nhìn mùa thu trên hồ nước này, vì dù sao nó vẫn còn hơn mái ấm của gia đình tôi đó cậu à”. Mặc dù sau câu nói đó tôi thấy có hơi rùng mình một chút nhưng cũng không khỏi tức cười cho ý nghĩ quá ngây thơ của lão, vì ai đời lại cho chôn hài cốt trên đất công viên nầy bao giờ, có lẽ chỉ có những người luôn sống trong cô đơn và tuyệt vọng như lão mới có thể thấu hiểu nổi câu nói thật cảm động như lời trăn trối vô thần ấy của lão mà thôi…

Cuối mùa thu năm ấy trời càng se lạnh hơn, tôi đem tới cho lão chiếc áo ấm để lão mặc chống lạnh, lão cảm động ôm chặt tôi vào lòng bằng một cánh tay còn lại, lão nói “Cậu đã là chiếc áo ấm của tôi rồi, cần gì mua thêm cho tốn tiền. Ơn nghĩa nầy của cậu xin để kiếp sau tôi sẽ trả cậu nhé”. Sau câu nói đó bỗng dưng tôi thấy mắt mình cay cay như muốn khóc và cũng không ngờ đó là câu nói cuối cùng của lão tôi mà còn nghe được trên miệng lão. Bởi vì sau lần đó tôi không còn thấy lão đâu nữa, mỗi lần tôi ra công viên tìm lão là mỗi lần tôi lại xách giỏ đồ ăn trở về nhà, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cứ muốn đi tìm lão, đã hơn ba tuần nay rồi lão vẫn biệt tâm âm tín, chiếc ghế đá lão thường ngồi vẫn bỏ lại một mình lạnh lùng cô đơn trong trống vắng. Những chiếc lá thu vàng uá cuối mùa cũng đua nhau san sát rời cành làm lòng tôi  càng lạnh lùng  xao xuyến hơn, như linh cảm có một điều gì đó chẳng lành đã xảy ra cho lão, tôi xách chiếc xe đạp chạy một vòng ra lề đường với chút hy vọng mong manh sẽ tìm được lão. Bỗng nhiên xe tôi bị chết cứng một chổ đạp không được nữa, tôi cố gắng cách mấy cũng vô dụng, tôi định xuống xe để kiểm tra lại, khi vừa ngồi xuống tôi đã thấy có một đoàn xe màu đen, mỗi xe đều cắm một lá cờ màu tím đậm đang chạy tới ngược chiều về hướng tôi, tôi bỗng giựt mình khi nhìn thấy khuôn mặt của lão trên tấm hình gác trong xe, tôi đứng phắt dậy không chần chờ tôi phóng lên xe đạp thật nhanh như bay theo đoàn xe đang chạy như rùa bò, tôi đã quên mất chiếc xe tôi vừa bị hư và cũng không có thì giờ để nghĩ tại sao tôi lại sử dụng được nó. Khi đoàn xe quẹo về hướng bên phải tất là chạy về hướng ngoại thành, tôi liền đuổi theo tốc kỳ nhưng chẳng mấy chốc cả đoàn xe đã vượt qua mặt tôi và mất hút trên con đường dài thăm thẳm của quốc lộ. Tuy tôi vẫn biết rằng với chiếc xe đạp cỏn con nầy nếu tôi đuổi theo họ thì chẳng khác gì đang tôi mò kim đáy biển nhưng không hiểu sao bản năng của tôi không cho phép tôi dừng lại, dường như có một sức mạnh nào đó đang thoi thúc tôi, đang chuyền sức lực cho tôi và buộc tôi phải chạy cho đến đích, tôi cương quyết phải đến với lão dù chỉ đến một lần cuối cùng để gặp lão tôi nhũ thầm như vậy. Xe chạy tới đoạn đường có một ngã rẻ bên tay trái, tôi dừng lại để vừa thở và vừa đoán xem họ có quẹo đó không hay là họ đã chạy thẳng mất dấu? trong lúc đang suy nghĩ thì may sao có một chiếc xe cũng treo cờ màu tím đậm quẹo về hướng đó, không chần chờ tôi bám sát theo xe họ liền tức thì, chẳng mấy chốc cả đoàn xe tang đã hiện ra trước mắt tôi, tôi mừng thầm chấp tay tạ ơn trời Phật đã cho tôi được một lần cuối cùng để đưa tiển người bạn già bất hạnh xấu số của tôi. Nhìn đoàn xe đã nằm bất động, chiếc quan tài được mang ra khỏi xe từ lâu và nó được đặt ngay ngắn giữa khoảng sân khá rộng để chờ được bỏ vào lò. Qua sự quan sát cuả tôi, thì đây không phải là nhà quàn, mà là một lò thiêu. Quả thật cái lò thiêu này đã quá cũ kỹ nghèo nàn và dơ bẩn, nhìn nó chẳng khác gì cái gara để xe tầm thường của một căn nhà nhỏ chật hẹt tồi tàn, tự nó đã nói lên sự ti tiện của một đứa con không hiếu thảo, khung cảnh lại trơ trẽn hoang vu cũng chẳng có lấy một tiếng khóc sót thương nào cho lão cả. Nhớ ngày nào khi ba tôi mất đi, tất cả anh chị em tôi đều quay quần bên ba tôi mà khóc hết cả một buổi sáng, chúng tôi chọn cho người một chiếc quan tài bằng một loại gỗ quý rất sang trọng và chúng tôi chọn một nhà quàn rộng rãi có tiếng tăm nhất trong vùng để đưa tiển ba tôi đến một nơi an nghỉ cuối cùng trong cuộc đời, Không giống như cỗ quan tài của lão được làm bằng một loại gỗ thông thô sơ sơn màu xanh rất rẻ tiền. Tôi liếc nhìn người thanh niên mặc bộ đồ vét màu đen đeo khăn tang đứng cạnh chiếc quan tài, tôi đoán đó là con trai lão. Nhìn hắn cũng khá bảnh trai và trí thức nhưng sao lòng dạ hắn lại hẹp hòi và đê tiện đến như vậy (nếu không muốn nói còn thua cả một con…chó). Đứng cạnh hắn là một người đàn bà đanh đá, sắc diện dưới trung bình tay dắt theo hai đứa bé, miệng thì lúc nào cũng cằn nhằn bởi những chuyện không đâu, tôi biết đó là con dâu khó tính của lão, đã đẩy cuộc đời của lão từ đỉnh cao xuống vực sâu thăm thẳm, đã giết chết một người vợ yêu thương nhất trong đời lão, bây giờ tới lượt lão. Ôi! khốn nạn thay cho lòng dạ của một người đàn bà quá ích kỷ nầy, không biết đến bao giờ mới gặp lại quả báo kiếp trùng lai như lão đây?. Đúng 12 giờ trưa, giờ quyết định đã đến, cánh cửa sắc lò thiêu được kéo lên. Thêm một lần nữa tôi hết sức kinh ngạc khi thấy họ tháo gở phần bên ngoài của chiếc hòm, chỉ chừa lại một khung gổ vừa đủ để lão nằm, như vậy có nghĩa là lão cũng chỉ được nằm tạm trong “căn nhà” nhỏ mà đứa con trai lão đã cho lão…mượn trong vài giờ. Tôi vừa trông thấy mặt lão nước mắt tôi đã tuôn trào ra như lần ba tôi mất, tôi chạy lại đặt tay tôi trên tay lão để nói lên câu giã từ. Bỗng tôi sực nhớ ra điều gì, tôi yêu cầu họ đợi tôi vài giây rồi chạy thật lẹ ra chổ tôi dựng xe lấy trên bidong một bộ cờ tướng mà ngày nào tôi với lão “sát phạt” nhau nơi công viên. Tôi đặt hộp cờ dưới hai tay lão rồi cúi đầu bước lùi ra phía sau để chiếc “gường” của lão từ từ chạy vào lò. Tôi chờ thêm vài phút định ra về thì tôi nghe cô con dâu của lão lên tiếng.

–Trời nóng quá, đi về, còn đứng đây làm gì nữa?

Tiếng của thằng con trai lão trả lời.

–Thì để anh hỏi xem họ thiêu khoảng bao lâu mới lấy cốt ba được.

Anh muốn lấy cốt thì anh đứng đây chờ cho đã đi, nhưng đừng có đem về nhà nghe, tôi đi về trước đây.

Nghe đứa con dâu của lão nói mà tôi muốn xông tới tán cho con đàn bà đốn mạt đó một bạt tai cho bỏ ghét, tôi chờ xem phản ứng của con trai lão ra sao, cuối cùng tôi thấy hắn nói gì với nhân viên lò thiêu rồi quay ra về với vợ con hắn. Dường như tôi có linh tính điều gì không hay, tôi quay lại chạy vào hỏi thì mới biết con trai lão đã quyết định bỏ tro cốt của lão, tôi bàng hoàng không tin ở tai mình, bởi có ai đi bỏ tro cốt cha mẹ ruột mình bao giờ hay đó cũng là ý của lão lúc còn sống chăng? “thằng con trai tôi không xứng đáng để nhận tro cốt tôi”. Như vậy có lẽ nào lão muốn chính tay tôi chôn cất lão ngoài công viên đó hay sao? Nghĩ vậy tôi liền giả làm người nhà của lão để đổi ý xin lại tro cốt, nhưng họ đòi tôi phải trình giấy tờ, dĩ nhiên là tôi không dám rồi, tôi buồn bã leo lên chiếc xe đạp trở về với bao ý nghĩ ngổn ngang trong đầu. Bỗng dưng, tôi lại có ý nghĩ tự an ủi rằng, “lão chết đi là do một nguyên nhân nào khác chứ không phải do chính tay con trai lão hại chết đã là may phước cho lão lắm rồi còn gì”…

Ngày chủ nhật hôm sau tôi mua một bó hoa, mang đến bên chiếc ghế đá công viên ngày nào mà lão vẫn thường ngồi, tôi đặt nó trên ghế khấn nguyện vài câu mong cho lão hiểu và thông cảm cho tôi đã không làm tròn ý nguyện của lão, tôi ngồi đó nhìn ra bờ hồ lòng man mác buồn tiếc thương cho một kiếp người cô quạnh. Theo tôi nghĩ cuộc đời của lão đã mất hết tất cả rồi, lão ra đi tìm lại người vợ yêu thương của mình trong một thế giới nào khác, có lẽ còn vui hơn so với kiểu sống tạm bợ trên dương gian nầy, bởi vì từ nay lão sẽ không còn cảm nhận nhìn những mùa thu qua, những mùa thu một mình rảo từng bước buồn lang thang nơi công viên sầu thảm nầy. Vâng, có lẽ lão đã chiến thắng được định mệnh của mình. Mùa thu sẽ không bao giờ trở lại nữa, nhất định Mùa thu sẽ không bao giờ trở lại trong cuộc đời vốn đã quá đau thương tàn nhẩn của lão nữa.

Cơn gió se lạnh tôi kéo cao chiếc cổ áo, ngẩng đầu nhìn lên những tàng cây trên khu công viên đầy thơ mộng nầy, dường như nó đã thật sự ngã màu tàn uá, và tôi biết mùa đông cũng mới vừa chợt đến…

 

Trời còn làm mưa
Mưa rơi mưa rơi
Từng phiến băng dài
Trên hai tay xuôi…

 

Ôi miền giáo đường
Ngày chủ nhật buồn…

Ru em muộn phiền
Ru em bạc lòng.

(Tuổi Đá Buồn, Nhạc&lời: Trịnh Công Sơn)

 

Lê Hoàng Nam