SÂN TRƯỜNG CỦA TÔI
NHƯ MAI
Tôi là đứa học trò mê sân trường hơn lớp học vì vậy ngày nay công không thành danh không toại, suốt đời lêu lỏng và mộng mơ!
Nhớ những năm tiểu học ở Saigon, có xe đưa đón, vừa tụt xuống là chạy ù vào sân chơi, tụi nhỏ có đứa tóc hoe vàng, mũi nhọn, xinh như con búp bê, mặc đầm rất dễ thương, thấy tôi là ngọng nghịu gọi tên, rũ nhập bọn chơi đuổi bắt, tôi ngần ngại vì sợ bị té nhưng máu ham chơi vẫn thắng, rốt cuộc té thật vì chạy không nhanh bằng mấy con nhỏ mắt xanh, thế là cái áo đầm lẩm lem, cái nơ trên tóc rụng xuống. Vào lớp thì chuyên trị khóc nhè, thành ra chúa ghét ngồi trong lớp trừ giờ tô mầu, tuy nhiên tôi viết chữ đẹp vì mấy cô giáo vỡ lòng rất kỹ trong việc bắt học trò tập viết, lệch hàng là bị la ngay! Ở nhà cũng bị tập viết vì mẹ tôi cũng khoái đọc chữ đẹp!
Về đến nhà, sau khi thưa trình cha mẹ, tôi vội vã vọt ra sân, leo lên chiếc xe đạp có 2 bánh phụ, chạy vòng vòng dưới gốc cây bàng, có một hôm gót chân bị dây sên nghiền nát, tôi té lăn xuống đất, cắn răng rán lết vào nhà, lúc này thì không khóc (rất lạ!), có lẽ vì đau quá nên nước mắt không chảy ra nổi! Anh cả tôi hoảng hốt phải bế thốc tôi lên, chạy thẳng đến trạm xá y tế của Hỏa xa rất gần nhà để nhờ băng bó. Dạo đó mẹ và 2 em nhỏ đang ở Nha trang, thành ra không có ai cho tôi nhõng nhẽo! Và tôi cũng còn nhớ địa chỉ của ngôi nhà mình đang ở là số 10 Phạm Ngũ Lão rất gần chợ Bến Thành.
Mùa hè, một con bé con ủy mị như tôi mà thiếu mẹ thì rất là buồn, nên Ba tôi phải gửi tôi đi Nha Trang một mình trên chiếc tàu suốt. Niên học mới, không phải vào Saigon, tôi được học lớp nhất trường Nữ Tiểu Học Nha Trang, gần chợ Đầm, mà nhà tôi cũng rất gần chợ, nằm trên đường Yersin để đêm đêm nghe tiếng sóng biển rì rào.
Sân trường mới nầy khá rộng, có những cây phượng vĩ mà lúc nào tôi cũng ngước mắt nhìn đến mỏi cả cổ, mỗi lúc nhặt được bông phượng còn nằm trong búp là tụi tôi mở banh ra để lấy nhụy chơi đá gà.
Ở đó, tôi đã gặp Anh Thư, Mỹ Linh, Dương Chỉ, Lành, La Chanh, Bích Lan, Diệu, Ngọc, Lã Bạch Tuyết, Liên Phòng và Thanh Hải là đứa bạn thân nhất của tôi, nó thường ghé đến nhà tôi cho tôi ngồi ké cyclo để đến trường hoặc 2 đứa dung dăng dung dẻ thả bộ. Mỗi lần gặp Dương Chi là nó hay nhắc đến cái cảnh kỳ cục ở sân trường:
–Mỗi lần mi bệnh là người làm mang sữa đến tận sân trường cho uống!
Trời ơi, nó không biết là tôi rất sợ sữa, nhất là lúc bệnh, vì thế nếu đem đến mà không uống sẽ méc cô giáo phạt quỳ (chỉ doạ con nít!) Mẹ tôi lại là một bà mẹ hay lo lắng, chăm sóc cho con bằng cả cuộc đời mình, sợ con cái đau ốm mà tôi thì yếu ớt.
Thích nhất là giờ gia chánh, tụi tôi, mỗi đội phải nấu 1 món. Lần đó, đội của tôi nấu cơm, cảnh sân trường náo nhiệt làm sao, nghĩ lại mấy đầu bếp nhỏ xíu lúp xa lúp xúp, lăng xăng nấu nướng và miệng lẩm bẩm cầu nguyện cho cơm đừng khét cho rau đừng nát mà buồn cười.
Giờ nữ công cũng rất là vui, ngoài thêu mấy đường đơn giản có mục tắm cho em bé, vì em tôi lớn rồi nên không bê đến trường để tắm cho nó được, phải bồng con búp bê bằng đứa bé mới sinh đến trường để….vọc nuớc.
Sân trường ngày đó là nơi chúng tôi chơi nào là u mọi, đánh thẻ, búng dây thung. Tôi khoái nhất trò bỏ khăn và cướp cờ của những giờ thể thao.
Còn chuyện trong lớp học, nhớ vỏn vẹn có màn kịch “Bạch Tuyết 7 Chú Lùn”, nhắc đến để ghi nhớ năm Thanh Hải và tôi gặp gỡ! Tôi cũng không nhớ nỗi mình đã học cô giáo nào, chỉ nhớ Bà hiệu Trưởng tên Sâm, thỉnh thoảng có trò chuyện cùng mẹ tôi về 2 chị em tôi như 2 con chim con và tôi thì nói nhỏ quá không ai nghe nỗi.
Một đứa con nít mới mười tuổi đầu, ăn chưa no lo chưa tới, tôi thích chơi nhiều hơn thích học nên kỳ thi tuyển vào Đệ Thất bị lọt sổ, tôi phải học ở Lê quý Đôn. Ba tôi bảo trường nầy khá nhất vì là bán công. Thôi thì, học ở đâu cũng được, tôi đâu có chọn lựa nào khác.
Tuy nhiên phải xa một lô bạn thì buồn thật, nhỏ Dương Chi thì vào trường Tây, tôi cũng muốn lắm nhưng Bà Nội còn sống bảo là:
–Cha mẹ mi kháng chiến chống Tây mà cho con học trường Tây!
Thật ra cha mẹ tôi thực tế hơn, chỉ sợ tương lai không đủ sức kham về học phí thôi, học tiếng Tây đâu có nghĩa là theo Tây!
Ngày nhập học trường Trung Học, bỡ ngỡ, lo sợ, được một cái là học trò không phải mặc áo dài, có thể mặc đủ loại y phục miễn là đừng cũn cỡn quá! Vì vậy tôi chuyên trị áo đầm và váy để chạy nhảy và đạp xe đạp cho dễ!
Học chung với con trai thì mình cũng bắt chước nghịch như con trai nhưng nhẹ nhàng hơn, tụi bạn trai của tôi là: Huỳnh Tấn Đức, Phạm Văn Sự. Tụi tôi kết nghĩa huynh đệ, tôi là em út vì nhỏ nhất. Ngoài ra tôi vẫn còn nhớ: Diệp Xuân Sơn, Nguyễn Văn Phước, Trần Văn Nghiệp, Võ Diệu Hào, Cung Hồng Thanh. Con gái thì chỉ có Chu Thị Đấu, Tôn Nữ Kim Hà, Thiện.
Có một lần đang chờ cổng mở để vào trường, tôi rời xe đạp, trên yên sau là chồng vở, khi quay lại chồng vở của tôi biến mất, thì ra có người dấu của tôi. Tôi nhìn quanh thì bắt gặp bọn con trai cười hì hì….tôi giận lắm nhưng không biết làm cách nào, tỉnh bơ bước vào lớp với hai tay không. Đến khi Thầy gọi nộp vở, tôi lắc đầu, nước mắt lưng tròng bảo là: con quên mang theo. Thầy cho tôi con zero. Tôi im lặng, có tiếng xì xào, và cuốn vở được chuyền lên bàn Thầy. Không biết tại sao lúc đó tôi không có phản ứng tích cực nào có lẽ vì giận nên nghẹn ngào không nói nên lời? Mà tôi cũng chẳng biết ai là thủ phạm cho đến bây giờ, nhớ lại để giữ làm một kỷ niệm?
Đến năm Đệ Tứ, tôi vẫn chưa lớn đủ để biết hẹn hò, yêu đương, mặc dù các bạn gái cùng lớp hay các chị lớn hơn đã biết điệu và đã có bồ! Tôi có cái job rất nhẹ nhàng là viết thư giùm cho các chị mỗi lúc phải gửi cho các anh Chiến sĩ ngoài tiền tuyến nhân dịp xuân về, còn mấy chị thì thêu khăn tay giùm tôi.
Hết năm đó, kỳ thi Trung học Đệ nhất cấp ở Nha Trang bị hủy bỏ, 6 đứa tụi tôi phải khăn gói quả mướp ra Ninh hòa để đi thi, lần đó tôi trúng tuyển thành ra được vào trường Nữ Trung Học, lại một lần nữa chia tay với bạn bè đã được gầy dựng suốt 4 năm trường, vui buồn có nhau, từ nay sân trường vắng bóng của một bầy học trò nghịch phá. Tụi con trai qua Võ Tánh, con gái vào trường con gái, vậy mà các bạn của tôi vẫn liên lạc thường xuyên vì Cha Mẹ tôi rất thương bạn bè của tôi như con vậy đó!
Vào trường công phải mặc áo dài, lần đầu tiên mặc áo dài trắng thấy trang trọng ghê, nhưng vì lớn chưa đủ nên không đẹp và tha thướt mấy! Tôi học ở trường Nữ cũ, dù khang trang nhưng vẫn còn lụp xụp và nóng lắm, cái sân vẫn là chỗ tôi thích nhất, xung quanh có hàng cây dương liễu cho bóng mát.
Có một lần, giờ cô Túy Hoa dạy Anh văn, tôi đã cá với mấy đứa bạn là tôi sẽ đi ra vào lớp không bằng cửa chính. Tụi bạn không tin vì tưởng tôi nhút nhát, quê mùa đâu dám làm trò rắn mắt, tôi không nói, không cười, chạy lên bàn nói với cô:
–Cô ơi, em đi nhúng nước lau bảng nha cô, nhưng chỗ có nước xa quá, em đi bằng cửa
sổ được không cô?
Cô nói:
–Ừ, đi nhanh nhanh lên nhé!
Thế là tôi vén áo dài leo qua cửa sổ nhảy xuống sân sau, mát ghê, hít thở vô cùng khoan khoái, nhúng nước cái miếng lau bảng xong, khoan thai trở về bằng lối cũ, tỉnh bơ!
Tôi không được thưởng cái gì vì đứa nào cũng sợ điếng hồn!
Hai năm Đệ Tam, Đệ Nhị tôi học ban B. Bạn mà tôi chơi thân và còn nhớ tên là: Nguyên Phương, Mỹ Linh, Huê Em, Đỗ Thị Ánh, Phuơng Mai, Lê Thị Hà,… mấy nàng này tôi đang còn liên lạc mật thiết. Cuối năm, thi Tú Tài 1, nhờ trời tôi thi đậu ngay.
Nhưng khi bước vào Đệ Nhất, phải chuyển qua Võ Tánh, chỉ 2 tuần là tôi đổi ý, xin với bà hiệu trưởng NTH cho trở về và theo ban A. Thật là khó khăn cho tôi, tôi rất sợ gạo bài ngày đêm, vì trí nhớ của tôi không siêu đẳng như các bạn nên học hành khổ sở vô cùng, tôi chỉ khoái toán và vẽ hình thôi! Nhìn Trần Thị Thuý, học sinh giỏi nhất trường, lãnh phần thưởng mà thấy bắt thèm! Tôi chơi thân với Tuyết Nga. Nga đã bao che cho tôi mỗi lần muốn đi ra ngoài vì Mẹ tôi rất khó.
Thỉnh thoảng đạp xe đạp lúc về với Hạnh Hoa, nàng là cô gái có hai dòng máu nên đẹp và sexy.
Với Triệu cô nương thì chỉ chào hỏi chứ không được hân hạnh nói chuyện lâu, nhưng sau này lại là người bạn tôi quý mến.
Vì mặc áo dài, vì là con gái lớn rồi, phải học cách ăn, nói, đi đứng đàng hoàng nên tôi rất khó chịu, biết làm sao bây giờ. Thỉnh thoảng trong giờ học, nhìn ra cửa sổ, thả hồn theo những đám mây trắng lững lờ trôi, sao dễ thương và dịu dàng thế. Có lần Thầy Đốc nói chuyện với Ba tôi là tôi hay bị chia trí, lơ đãng lắm.
Năm đó tôi bị rớt Tú Tài 2, tưởng là bị nghỉ học đi lấy chồng hay là bắt ngồi lại trường Nữ, cái nào cũng làm cho tôi lo sợ. Mẹ tôi bắt tôi thi lại kỳ 2, tôi từ chối vì kỳ 2 khó lắm, vả lại tôi rất sợ học bài cấp tốc! Thế là phải học đúp ở Thánh Tâm. Chao ôi, lớp học của tôi nhỏ và ít người, vì vậy được Thầy Cô chăm sóc kỹ lưỡng, ngắm con chim bay ngoài trời cũng bị la, trời mưa thì bị ông Thầy Quý dạy Pháp văn gọi lên đứng ở cửa và đổ thừa tại vì tôi hay khóc quá nên trời mưa!
Chỉ có giờ chơi thoải mái, nhưng lỡ may gặp Mẹ bề trên thì nguy hiểm vô cùng, có lần tôi thấy Mẹ bắt một chị phải về nhà mặc thêm áo lót. Còn tôi cũng bị khám móng tay:
–Con không được để móng tay dài, muốn Sơ cắt cho con không?
Tôi lắc đầu, từ chối.
Thế là ngày đó tôi cắn móng tay trừ cơm! Đói bụng mà ăn móng tay cũng ngon! Mà buồn cắn móng tay còn thú vị hơn, giải buồn!
Người bạn tôi thân nhất ở đây là Ngọc Hải, ngoài ra cũng chơi với Tư Mai, Hoàng Hoàng, Hải Sâm từ Tuy Hòa, Thanh Mai,….
Có một lần, ngồi chờ bà Sơ đến để học giờ Giáo lý, chờ hoài không thấy, tụi tôi chia làm 2 phe để đi ciné, một nửa lớp trong đó có tôi xem phim Mùa Hè Rực Nắng (Plein Soleil có Alain Delon), nữa kia xem phim Django.
Lúc trở về lại trường thì bị đuổi, ngày hôm sau phải có cha mẹ đến xin mới cho vô học lại.
Tôi bấn loạn vô cùng, cũng áo quần chỉnh tề để đi học, nhưng chỉ lang thang ở đường Duy Tân để tính kế. Sực nhớ ra ông anh họ của tôi là Trung tá Sâm làm chỉ huy trưởng Đơn vị 2 Quản trị . Thế là vội vã gọi cyclo đến gặp anh. Tôi phải ca bài còn cá sống vì nước, anh mà không giúp em thì em sẽ nhảy xuống biển Nha Trang tự tử vì nếu Má biết được cũng sẽ đánh tôi đến chết, tôi trốn học mà li! Anh tôi cười khà khà bảo:
–Đừng lo, anh sẽ xin cho, Mẹ Bề Trên tên là Nhâm, rất thân với anh vì anh có cho lính mang vật liệu xây cất giúp trường.
Tôi mừng lắm, đi với anh đến trường, anh tôi thưa với Sơ:
–Cha Mẹ em đang ở Saigon, nhờ con giám hộ, Sơ cho em con vào học lại thưa Sơ, lần sau
Con sẽ để ý em kỹ hơn.
Mẹ Bề trên hỏi lần nữa cho chắc ăn:
–Là anh thật hay anh giả đây?
–Dạ thật mà Sơ, Mẹ con là chị của Mẹ em ạ!
Thế là tôi đã thoát nạn, vụ trốn học chỉ xảy ra một lần và không bao giờ tái phạm. Cha Mẹ tôi chưa bao giờ biết, nhưng ngày hôm nay chắc biết rồi vì Cha Mẹ tôi đang ở trên Thiên đàng.
Năm đó tôi thi đậu, thở phào nhẹ nhõm, sân trường nhuốm vẻ buồn hiu, hết rồi những buổi trưa ở lại trường để ăn cơm tay cầm với mấy người bạn ở xa, xa rời sân trường với bạn bè hiền lành, lẫn trong những chiếc áo dòng màu xanh Đức Mẹ của các vị nữ tu. Lớp học của tôi nhỏ lắm, có mấy bực cấp, nhưng chung quanh thì nhiều cây cối. Vì là lớp lớn thành ra tôi không còn chạy nhảy mà chỉ đi dạo quanh sân, cũng áo dài trắng, thỉnh thoảng được mặc váy trắng. Bạn bè tôi rất dịu dàng tha thướt. Ngọc Hải rất đẹp, hai đứa cao và ốm bằng nhau, suốt con đường đến trường và về nhà, tụi tôi nói chuyện rất nhỏ, chưa hề giận nhau, thân thiết vô cùng cho tới lúc vào đại học, mỗi đứa mỗi trường vẫn còn hẹn nhau đi chơi.
Cuối năm 72 thì Ngọc Hải đi lấy chồng, tôi và Thanh Thu được mời làm phù dâu. Năm sau đến lượt tôi, anh Long và Ngọc Hải lại là khách.
Những năm ở Khoa Học Saigon là những năm của tuổi biết yêu, sân trường là nơi gói ghém biết bao kỷ niệm, vui có mà buồn cũng không ít. Con gái lớn lên, dù xấu dù đẹp cũng có người dòm ngó, tôi cũng không tránh khỏi định luật này. Những mối tình nhẹ như gió thoảng mây bay, tôi vẫn chưa gặp người trong mộng. Tưởng như thương yêu nhưng đó chỉ là ảo ảnh, thỉnh thoảng Ba tôi buột miệng nói:
–Má con hơi ửng hồng coi chừng sẽ khổ vì tình!
Chao ôi, lời nói linh nghiệm, gắn vào số mệnh của mình rồi!
Tôi đă gặp Trương Chi không như trong ca dao, người thì thật xấu, hát thì thật hay, mà ngược lại, đẹp trai, không thèm nói mà rất khó tính! Chàng đă đứng xa xa nhìn tôi chứ chưa hề đến gần…những gói ô mai trên chồng sách vở để hờ hững trong sân trường trước giờ vào lớp đă được tôi thưởng thức một cách ngon lành, biết từ ai cho nhưng vì người ta có hành động cực kỳ khác biệt nên tôi đành giả vờ vô tình, tôi nào biết Trương Chi ghét tôi từ ngày đó, có thể thương lắm nên ghét cũng lắm! Đúng là mối tình của tôi ơi, anh là một thằng ngốc mà em cũng là một đứa dại khờ!
Sân trường của tuổi đang làm người lớn cũng đẹp hơn, tình hơn, với hoa tigôn giăng mắc, với chùm hoa hoàng lan, với cây cỏ biết cười nói, biết rung động. Tôi chỉ có vỏn vẹn hai người bạn gái thân nhất là Ngọc Lan, chị Bích Thọ, nhưng chỉ có tôi và Ngọc Lan hay đi lang thang ở sân trường, thỉnh thoảng chạy vào quán chè ở trường hàng xóm (Sư Phạm) để ăn hàng. Những giờ thực tập lý thú, giờ học trong giảng đường khổng lồ, chán lắm, tôi có nhiều chỗ ngồi, nhưng vì nóng quá, một phần vì sợ nhăn áo lụa nên đứng tựa cửa ghi bài để thỉnh thoảng nhìn ra sân cho mát mắt!
Có một lần Trương Chi đưa cho tôi 2 vé ciné để rủ đi xem phim Love Story, tôi mắc cở lắm, vì từ trước đến giờ chưa hề có ý định đi ciné với bạn trai ! Nhưng thay vì từ chối, tôi tinh nghịch cầm, nói cám ơn và bảo là sẽ rủ chị Bich Thọ hay Ngọc Lan đi xem. Chàng bực tức, không nói không rằng bỏ đi một mạch. Trời ơi, phải chi Trương Chi hiểu được rằng, nếu có đi theo thì tôi cũng không cản đường mà! Đúng là:
“Em bảo: anh đi đi
Sao anh không dừng lại?
Em bảo: anh đừng đi
Sao anh vội về ngay?”
Có một lần Trương Chi đã bỏ lớp thi vì thấy tôi đi qua, khóc, chàng hỏi nhưng tôi gắt gỏng, thế là bỏ di!
“Mà sao anh dại thế
Không nhìn vào mắt em
Không nhìn vào mắt sâu
Không nhìn vào mắt sâu.”
Tuổi trẻ của tôi qua nhanh với những tháng ngày nhung nhớ, dỗi hờn, tình yêu vỗ cánh bay theo gió, mây. Xa trường, xa khung trời kỷ niệm để tiếp tục kiếp sống làm người, người lớn: lấy chồng vội vã không hiểu vì nguyên nhân gì, bây giờ có kể lể cũng muộn màng. Rời xa quê hương vĩnh viễn, xa một cách bất ngờ để lại lòng người biết bao hụt hẫng!
Bốn mươi năm trôi qua như một giấc mơ dài, có lẽ gần giáp cuộc quay cho tôi tìm lại một chút dư âm của ngày xưa, của thời ngu ngơ, dại khờ, của thời suy nghĩ nông cạn, đã lỡ đánh mất nhiều thứ trân quý mà đến bây giờ tiếc nuối cũng đã muộn rồi.
Chỉ còn là kỷ niệm, ít ra mình vẫn còn có nhau hôm nay, phải là số phận hay không? Đã từng đi qua đời nhau nếu không là số phận thì làm sao có lần gặp lại nhau cho dù phải mất một thời dài thật dài thật dài.
Tôi đã vô tình chở mùa hè của một người yêu thương tôi thật lòng lúc tuổi đời của cả hai còn quá non trẻ. Ôi mùa hè của sân trường ngày đó đâu rồi, cho tôi một đời còn lại với nhiều luyến tiếc.
“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng,
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi 18,
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu.”
Như Mai
Song Thất 2013