VĂN

BÓNG THIÊN ĐƯỜNG – LÊ VĂN HƯỞNG

Đảo Bidong, 1981

Năm, sáu năm sau kể từ ngày Cộng Sản thôn tính miền Nam, số người vượt biển, vượt biên càng ngày càng đông, các trại tị nạn ở Đông Nam Á tràn ngập người bỏ nước ra đi. Do đó, việc thanh lọc người cho đi Đệ Tam Quốc Gia không tiến triển mau như mong muốn, nhiều người tại đảo Bidong chờ đi định cư phải đợi hai, ba năm.

Thịnh vượt biển đến Bidong hơn một năm rồi mà chưa thấy “nhúc nhích”. Nhớ lại, lúc còn ở Việt Nam, anh đâu muốn đi, nghĩ rằng mình là một đoàn viên dân vệ của tỉnh (tỉnh Sóc Trăng), Cộng Sản sẽ quên anh. Nhưng không, anh bị liệt kê vào “thành phần phản quốc, phản cách mạng”, gia đình bị đối xử tàn tệ, chúng còn hăm dọa giết anh là khác. Tiền ăn không đủ no, làm sao có đủ cây vàng để vượt biên cả gia đình, do đó, anh chỉ đi một mình, để lại vợ ba con.

Trên đảo, khi hoàng hôn xuống, anh ngồi buồn nhìn ra biển, hướng về Việt Nam, nghĩ đến vợ con, và lời hứa trước khi ra đi, là sau khi đến bến bờ tự do rồi, sẽ gởi tiền nuôi gia đình và xin đoàn tụ sau. Hơn cả năm rồi, thơ anh gởi về nhà thì có, tiền thì không, ở đảo làm sao có tiền? Mặc dầu Cao Ủy đã thanh lọc và xét cho anh qua Mỹ, nhưng phải đợi có người tại Mỹ đứng ra bảo lãnh, việc chờ đợi làm “nản lòng chiến sĩ” không ít, vì ưu tiên dành cho gia đình đông con.

Một hôm, đại diện Cao Ủy Tị Nạn trên đảo mời lên văn phòng 15 người “độc thân tại chỗ” (đi một mình) và đã được xét cho đi Mỹ, trong đó có Thịnh. Tại đây, họ thông báo là có một hội đoàn bên Mỹ đứng ra “sponsor” (bảo lãnh) 15 người để làm việc tại một trung tâm du lịch, và hỏi ý kiến xem ai muốn đi. Tức thì, tất cả đồng loạt đưa tay lên.

Thịnh cùng đồng bạn bước ra khỏi phòng, mừng quýnh vừa la lên:

– Đi đâu cũng được, ra khỏi Bidong là mừng lắm rồi!

– Miễn đi Mỹ là được!

Như vậy, khi vừa cập bờ tự do là đảo Bidong, thuyền nhân tự xem mình đã đến ngưỡng cửa Thiên Đàng, nhưng ngày nay, họ rất vui mừng rời cảnh “hạnh phúc” nầy!

Ngày sắp hàng lên máy bay đi Mỹ là ngày vui sướng nhứt đời. Máy bay ngừng nhiều trạm trong khi bay hơn một ngày đêm, và đáp xuống San Francisco là chặn đầu tiên trên lục địa Hoa Kỳ. Sau thủ tục của Sở Di Trú, 15 hành khách về trung tâm du lịch được chuyển qua chiếc phi cơ khác, trực chỉ phi trường Fort Myers, thành phố nằm trên bờ biển Tây Nam Florida. Chiếc xe “van” 22 chỗ ngồi của Captiva Island đã đậu sẵn chờ đón khách tị nạn.

 

Phân nửa thiên đàng

Trung Tâm Du Lịch có tên là Captiva Island Resort nằm trên đảo Captiva, nối liền với bờ biển Ft Myers bằng một cây cầu hẹp nhưng dài gần một dặm, có tên là Causeway Boulevard. Từ phi trường hay từ trung tâm thành phố Fort Myers đến Captiva là khoảng 40 dặm, phải mất hơn một giờ đường xe.

Đảo Captiva là một dãy đất dài, hẹp bề ngang, theo hướng từ Nam lên Bắc. Đảo là một làng nhỏ có đầy đủ tiệm buôn, nhà hàng… dành cho du khách, với những trò chơi giải trí nào là tắm biển, trợt nước, sân golf, sân tennis, chèo thuyền, đi xe đạp dọc theo bờ biển, hồ bơi… Vì muốn phục vụ du khách tối đa, Trung Tâm rất cần nhân công làm việc, đó là lý do họ bảo lãnh người tị nạn.

Xe chở 15 thuyền nhân đậu trước cổng chánh, anh em tị nạn được mời vào một phòng họp có bày sẵn thức ăn nhẹ như sandwich, bánh, trái cây đủ loại, nước ngọt, cà phê, trà… Qua hành trình dài vạn dặm, cả ngày lẫn đêm, mọi người đều mệt mỏi, nhưng khi thấy cảnh tiếp đón quá ư chu đáo, anh em tỉnh người, lòng mừng rỡ, muốn hỏi nhau “có lẽ thiên đàng là đây chăng”?

Cảnh quá đẹp, quá nên thơ, trời trong xanh, biển rì rào, cát trắng, hàng dừa cao, rừng xanh hoang dã, nhà cửa kiến trúc xinh xắn… Giống như thời xa xưa Lưu Nguyễn lạc chốn Đào Nguyên, ngày hôm đó, mười lăm “con nai vàng ngơ ngác” lạc vào cảnh bồng lai Captiva Island. Nhưng đứng trước một ngày mai vô định, xa gia đình, nhớ quê hương, “ngổn ngang trăm mối bên lòng”, họ còn đâu tâm trí để thưởng thức cảnh bao la của sóng nước hay tiếng chim ríu rít trên cành?

Sau đó, thuyền nhân được hướng dẫn xuống dãy nhà dành làm phòng ngủ công cộng, có giường nệm đầy đủ, nhà vệ sinh, nhà tắm với nước nóng, nước lạnh.

 

Thịnh nghĩ mình không uổng công liều chết vượt biên vượt biển qua đây, từ một nước Việt Nam nghèo khổ bị Cộng Sản đối đãi tàn ác, qua đến đảo sống những ngày “xấc bấc xang bang”, giờ đây được mọi tiện nghi của một xứ văn minh, chắc không đòi hỏi gì hơn!

Ngay tối hôm đó, sau buổi ăn chiều, anh em được mời lên phòng họp để nghe thuyết trình về công việc làm, có một nhân viên xã hội người Việt từ Fort Myers vào thông dịch.

Anh em chăm chú nghe anh quản lý người Mỹ trình bày, thông ngôn viên dịch lại:

– Trung Tâm cần đủ mọi nghề, từ phụ nhà bếp, lau chùi, dọn dẹp sạch sẽ, cắt cỏ, trồng cây…, theo lương tối thiểu là 3 đô 50 xu một giờ, một tuần 40 giờ, làm thêm được trả lương phụ trội, cũng có thể làm ít giờ hơn tùy theo nhu cầu công việc, ăn uống tại phạn xá dành cho nhân viên, anh em tị nạn chỉ trả nửa giá cho một phần ăn, vân vân…

Một anh thắc mắc đưa tay lên hỏi:

– Tôi không nói được tiếng Anh, làm sao tôi làm việc?

Anh thông dịch cười cười, dịch lại cho anh quản lý Mỹ, câu trả lời:

– Ở đây bạn không cần biết tiếng Anh nhiều, chỉ cần nghe được và hiểu là đủ, càng ít nói càng tốt, chỉ cần tay chân làm việc thôi.

Cả bọn cùng cười, nghĩ trong bụng: “Như vậy là dễ quá rồi!”

Tiếp theo, qua thông dịch viên, anh quản lý Mỹ cho biết lối sống ở đây ra sao, cách viết thơ, mua tem, bỏ thơ vào thùng, mở chương mục ngân hàng, và mọi điều lặt vặt khác.

Sau đó, anh quản lý đưa ra bản liệt kê số công việc trung tâm đang cần để mọi người chọn lựa tùy khả năng và ghi tên để ngày mai bắt đầu làm việc. Anh còn nhấn mạnh thêm:

– Quý bạn muốn ở đây bao lâu tùy ý, nếu không thích, có thể tìm bạn bè hay bà con bảo lãnh ra khỏi nơi nầy.

Thuyền nhân tị nạn người chọn nghề phụ bếp, người chọn rửa chén, người khác xin quét dọn sạch sẻ…, Thịnh chọn công việc chùi đồng, là lau chùi mấy trái nấm khung cửa, ổ khóa, thanh đồng dọc theo các gian nhà.

Trong tuần lễ đầu làm việc, Thịnh cố gắng làm tròn phận sự và luôn nghĩ đến tiền lương của anh, để có thể gởi về Việt Nam cho vợ con. Theo anh tính, anh có thể lãnh được ít nhứt $130 mỗi tuần, nhưng anh thất vọng, vì chi phiếu lương chỉ ghi trả $80 thôi, như vậy mất đâu số tiền kia? Không riêng gì anh, đa số các bạn khác đều thắc mắc.

“Ta phải lên hỏi ban quản lý”, bạn bè cử một người khá tiếng Anh để lên văn phòng tìm hiểu lý do; khi đại diện trở về, mọi người hỏi:

– Họ nói làm sao mà mặt mũi anh buồn xo vậy?

Anh buồn buồn trả lời:

– Họ trừ tiền nhà ở, tiền ăn, tiền thuế, đủ thứ thuế, tôi không hiểu, nào là thuế liên bang, thuế tiểu bang, thuế địa phương, ôi rắc rối quá! Cũng có bạn làm không đủ 40 giờ…

Một bạn khác hơi nóng nảy:

– Mình tưởng nó cho mình ở không tốn tiền, ai dè cái gì cũng tính tiền hết, đồ ăn lạt lẽo cũng tính tiền, thèm nước mấm thấy mồ…

Một anh khác:

– Tưởng qua đây sướng lắm chớ, ai dè làm việc thì phải bấm thẻ tính từng phút, từng giờ, còn phải đóng thuế nữa?

Một anh lớn tuổi nhứt trong đám lên tiếng dạy đời:

– Bộ mầy là ông nội người ta sao mà bắt người ta nuôi mầy? Không muốn thì về ở với Cộng Sản đi, cứ đứng núi nầy trông núi nọ!

Bầu không khí trở lại im lặng.

Vài tuần sau, đa số thuyền nhân nhận thấy Captiva Island không còn là thiên đàng nữa, họ cho rằng mình giống như chim bị nhốt trong lồng son, được chủ cho ăn, cho ở, nhưng không được tự do bay nhảy ra ngoài để hít không khí trong lành. Họ nhớ món ăn Việt Nam, tiếc nuối những ngày vui chơi đùa giởn trong khung cảnh Việt Nam khi còn tại Bidong. Tất cả đều muốn tìm bà con, bạn bè ở Mỹ để xin bảo lãnh ra khỏi “đảo bồng lai” nầy.

 

Ngày thứ bảy hôm đó, là ngày bạn của Thịnh, anh Sắc, từ Fort Lauderdale, thành phố bờ biển miền đông nam Florida, đến đón Thịnh về ở với anh. Trong thơ Sắc cho biết là khoảng 12 giờ trưa đến, nhưng cả đêm thứ sáu, Thịnh không ngủ được. Vừa tờ mờ sáng, anh đã chuẩn bị xong xuôi, ôm bao quần áo lần lần ra đợi ở đầu đường. Anh ngồi trên một tảng đá lớn, đứng dậy, đi tới đi lui, mặt trời càng lên cao, anh càng sốt ruột, trông cho mau đến 12 giờ trưa. Bạn bè ra tiễn anh đi, căn dặn đủ điều:

– Ê, mầy ra ngoài đó, xem có ai bảo lãnh giùm tao ra nghe!

– Tụi tao cũng lần lượt kiếm cách đi, ở đây buồn quá!

Theo đúng giờ hẹn, xe hơi của Sắc lù lù tiến đến.

– Thôi ở lợi mạnh giỏi nghe, bái bai, bái bai!

Thịnh vừa nói vừa hớn hở bước lên xe, nhưng lòng cũng bùi ngùi cho bạn bè còn ở lại. Thịnh xem mình như bước qua một thiên đàng khác!

(Được biết sau đó, thuyền nhân chót rời Captiva gần bốn tháng sau)

 

Phải chăng đây là thiên đàng?

            Sắc là bạn cùng quê với Thịnh ở Mỏ Cày, Bến Tre. Anh và đứa con trai lớn định cư tại Margate, vùng Fort Lauderdale, hơn hai năm về trước. Sau những ngày đầu vất vả, anh tìm được một công việc tự túc là cắt cỏ. Hai cha con chịu khó dang nắng dầm mưa tiến hành công việc làm ăn. Sẵn có Thịnh về ở chung, Sắc muốn giúp bạn mình có công việc tức thời là tiếp tay với anh trong việc cắt cỏ. Một mặt khác, anh tập cho Thịnh học lái xe. Sau tuần lễ đầu theo Sắc làm việc, Thịnh than phiền:

– Anh Sáu à (là Sắc theo tiếng xưng hô trong gia đình), ở Mỹ sao làm việc cực khổ quá, cắt cỏ nắng nóng suốt ngày ngoài trời mà anh chịu được vậy anh Sáu?

Sắc phì cười:

– Ở đây không lè phè như bên Việt Nam mình đâu, chịu khó thì sống ngon lành đó bạn!

Thấy công việc cắt cỏ quá cực nhọc, Thịnh nhờ Sắc tìm cho một công việc khác. Nhờ quen biết nhiều, Sắc giới thiệu Thịnh vào làm tại một hãng đóng và sửa chữa tàu. Thịnh được thâu nhận: công việc của anh là bọc fiberglass (nhựa thủy tinh) cho tàu. Lương bổng khá cao đối với một người không chuyên môn, $5.00/giờ trong khi lương tối thiểu là $3.50. Sở dĩ công việc nầy được trả lương cao vì ít người chịu làm: chất nhựa thủy tinh gây dị ứng ngứa trên da.

Tiểu bang Florida tuy không phải là hòn đảo, nhưng được bao bọc ba mặt bởi biển cả, nước xanh và vô số bờ cát trắng, lại có nhiều bến tàu. Đây là tiểu bang du lịch, với nhiều tàu bè thương mại, du thuyền. Do đó, người ta không lấy làm lạ tại sao có nhiều hãng sửa tàu, đóng tàu. Người Việt Nam tị nạn tụ họp về tiểu bang nầy vì có việc làm, vì khí hậu giống Việt Nam, nóng nhiều hơn lạnh.

Sau mấy ngày đầu làm việc, đến chiều, mình Thịnh ửng đỏ, ngứa ngáy khó chịu, nhưng nghĩ đến số lương hậu hỉ để lo cho vợ con bên nhà, anh “gồng” mình, và lướt qua được.

Trong hãng này, có lối mười người Việt Nam, thợ sơn, thợ mộc, thợ hàn, ông chủ hãng thích mướn người Việt, không phải do ông thương người bỏ xứ ra đi, mà do tánh nhẫn nại của người Việt. Ông khoe với bạn bè:

– Họ (người Việt Nam) chịu khó lắm, không gọi điện thoại xin nghỉ ngày thứ Hai trong tuần như phần đông người Mỹ; khi có công việc gắp, hãng nhờ họ ở lại làm thêm giờ, họ không từ chối, còn thích là khác, cả ngày thứ bảy, chủ nhựt, họ cũng vui lòng đi làm.

Một năm trôi qua, Thịnh sống thoải mái, có “rủng rỉnh” ít tiền, mua xe tự lái đi làm, tuy vẫn ở chung với mấy bạn “độc thân tại chỗ”, tiền nhà trả nhẹ hơn. Sau đó, anh nhờ nhân viên xã hội Việt Nam giúp đỡ lập thủ tục bảo lãnh vợ con.

 

Vòng khổ lụy

Nếu Thịnh cứ an nhiên tự tại, anh đã tìm thấy bóng thiên đàng!

Rất tiếc, sau mấy năm sống tại đất mới nầy, anh hiểu chữ tự do theo một nghĩa khác. Như ngựa không cương, ngày nghỉ, anh cùng bạn bè rủ nhau ăn nhậu, như muốn bù lại những ngày thiếu thốn tại quê nhà. Họ thi đua uống rượu đến say mèm, tìm cách lấp khoảng trống thời gian nhớ gia đình, nhớ Việt Nam.

Tiền sanh ra tật, lúc rảnh rổi, họ kéo nhau đi casino thử thời vận, tính làm giàu bằng con đường ngắn nhứt. Lúc đó, tại Florida không có casino trên đất liền, casino là những chiếc tàu, mỗi chiếc chở được gần ngàn người. Tàu casino phải chạy ra khỏi hải phận Florida mới có thể bắt đầu cho đánh bạc. Khi ra khơi rồi, tàu chạy lòng vòng trong 5 tiếng đồng hồ, sau đó trở vô bờ, có chuyến khác kế tiếp; mỗi ngày có hai chuyến, một chuyến từ 11 giờ sáng đến 5 giờ chiều, chiếc kế tiếp từ 5 giờ 30 chiều đến 11 giờ rưỡi đêm.

Đi casino không phải luôn luôn thua, cũng không phải dễ thắng. Đã nhiều lần anh bị thua “cháy túi” rồi, nhưng chứng nào tật nấy, thua rồi muốn gỡ, tính gỡ lại thua thêm.

Anh cùng bạn bè thích chơi “máy kéo”, vì trò nầy không đòi hỏi suy nghĩ nhức đầu, chỉ bỏ đồng tiền kẻm của sòng bạc (tương đương với 25 xu) vào máy kéo, thường thì máy “ngốn” hết, lâu lâu anh gặp ngày hên, “máy nổ” tức là tiền kẻm rớt ra, có khi vài chục, vài trăm đồng tiền kẻm.

Một bữa nọ, anh cùng bốn người bạn xuống tàu đánh bạc, sau khi đổi 100 đô ra tiền kẻm, anh ngồi “kéo máy”; sau nửa tiếng, bỗng nhiên đèn chớp sáng rực tại bàn anh, bạn bè la lên:

– Nổ rồi, nổ rồi!

Đồng tiền kẻm rớt ra, tiếng leng keng, leng keng không dứt, đèn vẫn chớp chớp. Mấy tay bạc chung quanh nhìn qua bàn của anh, mắt ai cũng sáng rỡ, mừng cho anh vừa trúng bạc. Cô hầu bàn chạy đến đưa cho anh rổ đựng tiền: hôm đó, anh trúng hơn một ngàn đồng. Số tiền nầy rất lớn vào thời đó, tính theo giá một ly cà phê là 20 xu tại tiệm bánh ngọt Dunkin Donuts.

Cùng lúc, có một bà Việt Nam thấy anh vừa “nố” chạy lại chia vui:

– Trời anh hên quá!

Thịnh quay lại, rất đổi ngạc nhiên:

– Ủa, chị Ba, sao chị ở đây?

Thì ra, hai người có quen nhau trong thời gian ở đảo Bidong. Lúc đó,  chị Ba cùng chồng và hai con đến đảo, nhưng vài tháng sau, chồng bị bạo bịnh, chết và chôn tại chỗ. Sau đó, chị được Cao Ủy xét cho đi Mỹ sớm hơn. Chị cùng hai con được về Fort Lauderdale nhờ có một hội thiện nguyện bảo trợ và hiện lãnh tiền cứu trợ xã hội (welfare) trong khi làm “chui” (trốn thuế), là lãnh quần áo về may tại nhà cho một nhà thầu Việt Nam.

Một đàng là trai xa vợ, một bên là gái góa chồng, dễ “thông cảm” nhau nhứt là tại xứ lạ quê người: điều gì tiếp theo không làm ai phải ngạc nhiên.

Thịnh dọn về ở chung với chị Ba, trả trọn tiền mướn nhà cho gia đình chị và hai con 12 và 10 tuổi, ngược lại anh có một tổ ấm và được chăm lo miếng ăn theo khẩu vị Việt Nam. Đó cũng là một hợp đồng thỏa đáng theo lối sống “vợ chồng hờ”.

Nhưng chị Ba là người tinh đời: biết anh làm ăn khá, có dư tiền, nay chị đòi món nầy, mai món nọ, hết cho chị, đến cho con, nào sanh nhựt, nào Halloween, Christmas, Tết Tây, Tết Ta…, lại còn gởi tiền về gia đình chị ở Phan Thiết, chị tìm đủ lý do để móc túi anh.

Đôi lúc buồn tình, anh theo bạn bè nhậu nhẹt.., và muốn có thêm tiền, anh tiếp tục đi casino, càng chơi càng thua, đôi khi đem cả tiền lương “nướng” cho sòng bài, tiền nhà băng rút ra gần hết, may là còn giữ chiếc xe để đi làm.

Có khi anh chơi casino liên tiếp hai ngày cuối tuần, thân thể rã rời, tinh thần uể oải, thua bạc lại càng uể oải thêm. Một ngày thứ hai đó, đang làm việc, anh ngủ gục, bị “súp bơ vai” (giám thị) bắt gặp, anh bị mời đi “chỗ khác chơi”.

Hoảng quá, mất “giốp”, làm sao đóng tiền nhà và tiền ăn cho chị Ba? Bối rối quá, anh xin một chưn rửa chén cho tạm qua ngày. Thấy lương rửa chén quá bấp bênh, anh xoay tìm thêm một “giốp” bán thời gian buổi sáng tại một lò bánh mì, nhờ đó, anh cầm cự được, nhưng phải vất vả nhiều và lương bổng chẳng là bao.

Biết chỗ yếu của anh, chị Ba càng bạc đãi anh hơn, nhưng không dám “đuổi anh ra”, ai sẽ trả tiền nhà đây? Nhưng chị có cách khác để “moi” tiền anh.

Mỗi đêm sau khi xong nhiệm vụ rửa chén, dọn dẹp nhà hàng, anh mang thân hình bệ rạc về nhà để rồi buông tiếng thở than, như câu thơ của thi sĩ hải ngoại Dương Quân:

 

“Đêm về, bậu ngủ nệm, giường êm

Ta chiếm sofa, chịu nhịn thèm

Bậu lock cửa phòng, an giấc điệp

Ta nằm thao thức, cứ lim dim”.

(“Lão Nô”, trong Tập “Điểm Hẹn Sau Cùng”)

 

Thiên Đàng ló dạng

“Ta đường đường là một đấng nam nhi, không thể chịu nhục”, nghĩ như thế, Thịnh nhứt định ra đi. Nhớ khi mới đến chung sống với nàng một năm về trước, không khí vui vẻ, ngày chia tay nhau cần được êm thắm, anh lựa một ngày đẹp trời để thông báo cho nàng biết anh sẽ cất bước giã từ, và ngày đó đến.

– Thôi, tình nghĩa anh với em đến đây là đủ, anh muốn xa em để lo cho vợ con anh!

Thấy nét mặt nghiêm nghị khác thường của Thịnh, nàng đổi chiến thuật, lấy nhu đối đầu với cương, tung ra “độc chiêu” cuối cùng. Nàng không nói gì, nước mắt chảy ràn rụa, Thịnh giựt mình:

– Làm gì em phải khóc, mình lớn hết rồi, sớm muộn gì cũng phải chia tay!

Nàng lặng thinh, càng khóc lớn tiếng, khóc nức nở, Thịnh bước lại vỗ về, nàng gục đầu vào vai anh, ôm chầm lấy anh, anh cảm thấy bủn rủn tay chân …

Không gươm giáo, không vũ lực, chỉ với nước mắt, người phụ nữ buộc anh hùng phải xuống gối quy hàng!

Ba tháng trôi qua êm đẹp, nhưng nàng chứng nào tật nấy, Thịnh càng khổ sở hơn trước, tiền bạc khô cạn lần. Phen nầy, “ta nhứt quyết không để bị lung lạc”, anh viết giấy để lại cùng một số tiền “cám ơn” để nàng không “quấy rầy” anh nữa.

Anh “se” phòng chung với mấy bạn độc thân, tiếp tục “cày” hai “giốp”, sáng nướng bánh mì, chiều đến tối rửa chén. Dịp may đến cho anh hai tháng sau, anh bắt được cái “giốp” khá thơm, một chưn thợ sơn trong một hãng tàu khác, lương $5.50/giờ, hơn 50 xu so với việc làm fiberglass khi trước.

 

Sau khi trải qua nhiều sóng gió trong cuộc sống tha hương, anh quyết tâm xây dựng lại cuộc đời, trở về với thực chất của bản thân anh, không đua đòi làm giàu bằng ngả tắt, giữ trọn tình nghĩa đối với vợ nhà.

Trong khi kiên nhẫn chờ ngày đoàn tụ theo đơn đã nộp từ mấy năm về trước, anh thấy lòng thanh thản, hy vọng Thiên Đàng sẽ ló dạng một ngày không xa!

 

Lê Văn Hưởng

10/08

(Bài nầy được đăng trong “Tuyển Tập Văn Học Thời Nay”, Quyển XI, 2009)