VĂN

GIÁ TRỊ CHỮ TỰ DO – LÊ VĂN HƯỞNG

Sau ngày 30 tháng Tư 1975…
Thiếu Úy Tâm, một sĩ quan thuộc binh chủng Biệt Động Quân, đi trình diện Ủy Ban Quân Quản ở Chợ Lớn. Sau đó, anh bị đưa lên một trại tù “cải tạo”, lúc đó, chưa ai được thăm nuôi, cả nơi giam giữ cũng không ai biết.
Vợ anh là Phượng, 26 tuổi, vì thấy không thể sống một mình với hai con, một gái 4 tuổi và một trai 2 tuổi, tại căn nhà mướn ở Xóm Củi, Chợ Lớn, dọn về ở chung với mẹ tại Cần Giuộc.
Cảnh nhà bà mẹ tại đây cũng chẳng dư dả gì, chỉ đủ ăn quanh năm với vài công ruộng, cộng thêm hoa màu làm rẫy của hai vợ chồng người con trai đầu (anh Hai của Phượng) cùng ở chung để chăm sóc bà mẹ. Bà góa chồng đã bốn năm nay.
Khoảng ba bốn tháng sau, Phượng theo mấy bà đi tìm chồng bị “giam” ở các trại “cải tạo” vùng Suối Máu thì được tin chồng bị bắn chết về tội trốn trại.
Nàng khóc lóc thảm thiết…, sau đó, đi thăm hỏi mọi nơi để tìm mộ chồng, nhưng không kết quả.

Thời gian sau, thấy số người tìm đường lánh nạn bằng tàu càng ngày càng đông, nàng sốt rột, ước mong thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian” nầy. Một ngày nọ, nàng than thở với mẹ:
– Con thấy con không thể sống với tụi nầy (Cộng Sản), con cũng không thể làm gì hơn để lo cho má, má cho con vượt biên để lo tương lai cho mấy đứa nhỏ…
Nói đến đây, Phượng lặng thinh, chờ phản ứng của mẹ. Suy nghĩ giây lâu, bà trả lời:
– Tao cũng khổ tâm lắm, từng tuổi nầy, tao chịu không nổi với tụi nó, huống chi là tụi bây…
Xong bà nói tiếp:
– Tao thấy người ta đi ào ào, nhưng không lẽ tao xúi bây đi, tao già rồi, tao không đi đâu hết, bây có đi thì tao không cản, ngặt là tiền đâu để đi? Mà có đi, cũng không phải suông sẻ gì, tàu chìm, bị cướp, sống chết như chơi bây ơi!
– Má đừng lo, con có cách, con sẽ bán một số nữ trang của con… Nếu ra được ngoại quốc rồi, con sẽ làm việc, có tiền gởi về nuôi má!

Thuyền ra khơi

Mùa hè 1976…
Chiếc ghe vượt biển chở hơn ba mươi người rời khỏi một bờ rạch vùng U Minh, Cà Mau vào lúc trời tối mịt. Tiếng chó sủa văng vẳng từ xa trong thôn xóm, đoàn người chun nằm dưới khoang thuyền, hồi hộp, lo âu. Đến tờ mờ sáng, ghe bắt đầu ra biển, những gợn sóng mạnh làm cho thuyền lao chao, gió mát trong lành thổi lên làm dịu lòng người; mọi người cảm thấy nhẹ nhỏm, hy vọng một ngày mai tươi sáng đang chờ nơi bến bờ tự do.
Ghe chạy được trọn ngày đó, đến khi trời sụp tối, bỗng nhiên máy khựng lại rồi tắt hẳn. Tài công và chuyên viên máy móc xem lại:
– Máy nóng quá, bà con ơì! Hai lốc (block) máy cũ đẩy không nổi ghe trong hơn 24 tiếng đồng hồ!
Hành khách nhao nhao, lại có lời trấn an:
– Không sao, chờ cho máy nguội, mình chạy tiếp!
Đợi hơn mười lăm phút, tài công cho máy nổ, tiếng máy kêu lên xẹc xẹc rồi tắt ngủm.
– Chờ thêm nửa tiếng đi bà con ơi!
Bỗng đâu, từ trong bóng tối, lù lù một chiếc thuyền chạy đến, chạm vào tàu của người tị nạn làm cho tàu chao đảo, tiếng hò hét vang lên: cảnh hãi hùng trước mặt, cướp Thái Lan leo lên tàu. Bà con la khóc tìm cách trốn.
Sau khi bắt đàn ông, con trai, trẻ nít ngồi một góc, rồi lục soát lấy vòng vàng, tiền bạc, chúng hãm hiếp phụ nữ và từ từ rút lui. Phượng cùng chung số phận với các phụ nữ khác, nàng khóc thút thít, đầu bù tóc rối, quần áo tả tơi…
– Trời ơi, sao đời con bạc phước quá! – nàng tự than thở, đau đớn toàn thân mình, rồi nằm thiếp luôn.
Ghe tị nạn trôi theo dòng nước vì máy không chạy. Sau hơn hai tiếng đồng hồ trong đêm tối, lại một thuyền khác tiến về hướng tàu tị nạn. Có tiếng thuyền nhân la lên:
– Lại tàu Thái Lan nữa!
Từ bên tàu kia, đèn rọi sáng lên, nhắm vào tàu thuyền nhân.
Có tiếng tài công tàu:
– Chết rồi! Tàu có treo cờ đỏ sao vàng!
Thế là cuộc hành trình thất bại, vì tàu trôi dạt vào Vịnh Phú Quốc, gặp lính biên phòng Cộng Sản. Chúng leo lên ghe, lục xét từng người và kéo ghe về Rạch Giá, nhốt thuyền nhân vào khám về “tội vượt biên”.
Nhờ có con nhỏ, Phượng được trả về sau hơn mười ngày trong lao xá.

Cuộc sống hẩm hiu

Sau khi nghe Phượng kể hết những việc không may xảy ra cho thuyền nhân tị nạn và cho chính nàng, bà mẹ thở dài:
– Thôi, giờ còn sống là may, bỏ hết chuyện cũ đi, bây giờ phải lo mà sống!
Phượng xoay ra nghề “buôn chui” lặt vặt để có tiền nuôi gia đình, (lúc đó, tất cả ngành buôn bán đều phải vào hợp tác xã). Nhờ lanh lợi và chịu khó, cô đi xe đạp từ Cần Giuộc lên Chợ Lớn (khoảng 20 cây số), hai ba lần trong tuần, mua hàng lặt vặt của mấy bà “bán chui” trên vỉa hè, như bột ngọt, thuốc cảm, thuốc đau bụng… xong dấu trong người đem về bán cho bà con trong quận.
Thấy con gái đảm đương, chịu khó, bà mẹ vui mừng, nhưng lo ngại cho sức khỏe của con:
– Tao thấy lúc sau nầy mầy thường ói mửa, mầy có đau ốm gì không Phượng?
Phượng buồn bã:
– Má ơi! Chắc con đang có thai, vì ngoài ói mửa, con còn thèm đồ chua nữa, con không ngờ đời con gặp nhiều oan trái quá…
Rồi cô khóc nức nở, bà mẹ an ủi:
– Thôi, chuyện đã lỡ rồi, đâu phải lỗi của mầy, chẳng qua là cái nghiệp của mầy, mầy phải trả…
Anh Hai Phượng đứng ngoài nghe, thêm vào:
– Hơi đâu mà bịt miệng thiên hạ, trời sanh voi sanh cỏ, đừng có lo!

Càng ngày bụng cô càng lớn lên, rồi đến ngày sanh nở. Một cậu bé nước da đen chào đời. Bà con lối xóm dèm pha không ít:
– Trời! Nó đẻ thằng nhỏ đen thui thùi lùi!
Một bà khác:
– Gặp tao là tao phá thai từ lâu!
Mặc dầu trên giấy khai sanh, tên của đứa bé là Trần văn Hải (để nhớ đến biển cả), nhưng họ hàng đặt cho nó danh hiệu là “Lọ”. Phượng âm thầm chịu đựng, vì dầu sao nó cũng là dòng máu của cô. Cháu bé mau lớn, dễ nuôi, bà ngoại phải nấu cháo nhừ để phụ thêm với sữa mẹ cho nó. Hơn nữa, nó cũng kháu khỉnh, tuy da đen sậm so với người Việt Nam, tóc lại quăn, nhưng đôi mắt sáng, lông nheo dài…, nhìn vào, người ta biết nó là con lai, lai đen.
Đối với chánh quyền, Phượng là đứa con ghẻ, công dân hạng “bét”; đối với hàng xóm, cô là đề tài châm biếm trong một xã hội ưa xoi bói chuyện người:
“Không chồng mà chửa mới ngoan,
Có chồng mà chửa thế gian sự đời”.

Thắm thoát, Lọ lên bốn tuổi, nó thường quấn quít bên mẹ, hay khi nào vắng mẹ, nó nhỏng nhẻo với bà ngoại. Khi nó đến tuổi vào trường, Phượng gặp nhiều khó khăn khi xin cho nó đi học, vì lúc đầu nhà trường từ chối, nói rằng nó là “con lai”, “con đế quốc”. Bọn trẻ thường chế nhạo nó, có đứa nắm tóc quăn của nó rồi cười lớn lên cho mấy trẻ khác vỗ tay; có đứa so sánh màu da, một số trẻ khác tưởng Lọ là con lai Mỹ, trêu ghẹo nó:
– Ê, ê, Mỹ lai, Mỹ lai, mười hai…l.. đít!
Lọ tức quá, òa lên khóc.
Còn hai đứa con lớn của Phượng chỉ học được đến lớp năm là bị nhà trường cho nghỉ học luôn với lý do là “con ngụy”; chúng ở nhà đi mò óc, xúc tép, câu cá, hay phụ làm rẫy với cậu mợ Hai (anh Hai của Phượng), cặp vợ chồng nầy không có con, do đó rất thương mấy cháu.

Với ý muốn có thêm tiền để vượt biên, Phượng vẫn giữ nghề bán “chui” bằng chiếc xe đạp giữa Cần Giuộc và Chợ Lớn như trước. Sau nhiều năm kinh nghiệm, nàng đem sản phẩm thôn quê như chuối khô, cốm dẹp, dừa khô xắc nhỏ… đựng trong giỏ sau xe đem lên Chợ Lớn bán: với mấy món nầy, nếu gặp Công An, cũng dễ đi qua nhờ năn nỉ hay lo lót chút ít. Chuyến về, nàng mua thuốc men, dấu trong người; vì thuốc là món hàng quý giá, nàng phải len lỏi các ngõ ngách, đường làng, để tránh trạm kiểm soát.
Thời gian qua mau, mới đây Lọ được mười tuổi. Tuy ở tuổi đó, nhưng nó rất lanh lợi, nếu không phụ với anh chị nó, một mình nó đi bắt chuột đồng, bắt cua… đem về phụ thêm món ăn cho gia đình. Phượng thương nó lắm vì thấy nó bị đời bạc đãi, đi đâu, ai cũng kêu nó là “thằng Lọ” với lời khinh bỉ, cử chỉ chọc ghẹo.
Phượng khổ tâm lắm, nhưng không thể làm gì khác hơn, do đó, nàng quyết tâm hơn bao giờ hết là phải vượt biển, phải tìm cuộc sống tự do, dù chông gai nguy hiểm.

Nguồn tin quý giá

Nhờ bán buôn, quen biết nhiều người, nàng có được một “nguồn tin quý giá”, đó là tin tức về chồng nàng: do một sự tình cờ, nàng gặp lại vợ chồng một anh bạn đồng đội của chồng, tên Lân, vợ đang bán thuốc lá, chồng sửa xe đạp trên vỉa hè ở Chợ Lớn Mới. Lân bị giam chung trại với chồng Phượng và được thả về sau năm năm tù. Chính anh và một số bạn tù lo việc chôn cất bạn mình. Sau đó, Phượng nhờ anh bạn Lân giúp đỡ đi tìm mộ chồng, xin giấy Báo Tử và xin cải táng đem về chôn tại đất nhà ở Cần Giuộc.
Trước mộ mới của chồng, Phượng đốt nhang, lâm râm khấn vái:
– Xin vong hồn anh “sống khôn thác thiêng”, phù hộ cho mẹ con em được bình yên trốn ra ngoại quốc, xin anh phù hộ cho mẹ con em đi đến nơi đến chốn!

Năm 1988, Phượng lại có “nguồn tin quý giá” khác. Sau khi suy nghĩ ngày đêm, Phượng đem “kế hoạch” của mình ra tính với mẹ:
– Má à! Con sẽ đi Mỹ!
Bà mẹ giựt mình:
– Bộ bây nói giởn sao chớ, đến nước nầy mà còn nói chuyện đi Mỹ, tiền bạc có bao nhiêu mà đi?
Phượng xích gần lại mẹ, nói nhỏ vào tai bà, bà gật gù chăm chú nghe vừa mỉm cười:
– Chà, được như vậy là hay lắm đó, tao giúp cho bây một tay.
Bà nói tiếp:
– Có thằng Sáu, cán bộ của xã, nó kêu tao bằng mợ, tuy nó làm việc với tụi kia (Cộng Sản), nhưng nó cũng nể tao, tao nói với nó một tiếng, là nó giúp liền, mình trả ơn nó chút đỉnh.
Vậy “nguồn tin quý giá” nói trên là gì?
Để hạn chế số người vượt biển, vượt biên mỗi ngày gia tăng không ngớt, năm 1980, Chánh phủ Hoa Kỳ mở ra “Chương Trình Ra Đi Có Trật Tự”, là cho phép người tị nạn tại Hoa Kỳ lập thủ tục giấy tờ để chánh thức bảo lãnh thân nhân còn lại Việt Nam.
Tiếp theo đó là “Chương Trình Di Dân Con Lai Mỹ” theo Đạo Luật “Amerasian Immigration Act”, năm 1982.
Trên thực tế, không dễ gì có người cha Mỹ từ Mỹ qua Việt Nam để tìm con và xin cho trẻ qua Mỹ. Nếu có, chỉ là vài trường hợp rất hiếm.
Riêng các em Mỹ lai, đa số lúc đó là từ khoảng 12, 13 tuổi đến 17, 18 tuổi, không đủ trưởng thành, trình độ hiểu biết, tiền bạc…, làm sao có thể lập hồ sơ xin đi Mỹ? Phần lớn các em sống với người mẹ bị người đời khinh rẻ, ở trong hang cùn, ngõ hẹp; số khác sống ngoài lề xã hội, bị đời hất hủi, nhứt là Mỹ lai đen. Một số khác, vất vả, làm thuê làm mướn, vác hàng hóa ngoài chợ, để có tiền độ nhựt. Một số em gái đi “ở đợ” cho các gia đình có tiền của, đi giữ em, nếu không sống bụi đời.
Do đó, tuy có chánh sách “Di Dân Con Lai”, nhưng chưa thể thực hiên sớm được; mãi khoảng năm 1988, tức gần 6 năm sau ngày có Đạo Luật đó, chiếc xe “Di Dân Con Lai” mới bắt đầu chuyển bánh.
Phong trào lập “hồ sơ con lai”, “mua con lai”, lai Mỹ trắng, lai Mỹ đen, phát lên mạnh. Những tay chạy áp phe, dân cò mồi, người trung gian “nhào vô kiếm ăn”, họ đi rảo phố phường, thôn xóm, tìm mấy ngõ ngách, những nhóm sống ngoài xã hội… Họ chiêu dụ mấy bà có con lai Mỹ để người mẹ nầy kết hôn với người độc thân có tiền muốn đi ngoại quốc, hoặc bán con để làm con nuôi cho gia đình giàu muốn đi Mỹ. Các cô, cậu con lai khác được hứa hẹn cho tiền, làm đám cưới cho con trai con nhà có tiền, hàng trăm mưu kế. Từ đó, con lai Mỹ “sáng giá” lên, giá “mua con lai” càng ngày càng tăng cao.

Cả những người lúc trước, do lòng thương người, đã xin con lai từ cô nhi viện làm con nuôi, nay là cơ hội ngàn vàng cho toàn thể gia đình, có khi gần chục người, đi Mỹ chánh thức, miễn phí, cùng với con nuôi lai Mỹ!
Đúng theo luật, giấy tờ chứng minh rắc rối và nhiêu khê lắm, và người đủ điều kiện lại không có giấy tờ hợp lệ: đâu ai ngờ có “chương trình di dân con lai”?

Chanh chua, nước ngọt

Việc “con lai” của Phượng càng rắc rối hơn. Lọ tuy là con lai, nhưng không lai Mỹ, và thiếu tuổi để đúng tiêu chuẩn là “con lai Mỹ”. Nó ra đời 2 năm sau ngày 30 tháng tư 75, tức là 2 năm sau khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, thì làm sao cha nó là Mỹ được?
Tuy nhiên, việc cũng dễ giải quyết thôi. Việt Nam thời “Xã Hội Chủ Nghĩa” là một môi trường mánh mung, gian manh, lừa đảo, cán bộ nhà nước tham nhũng tột độ, giả mạo giấy tờ chỉ là “chuyện lẻ tẻ” dễ như trở bàn tay. Mọi trở ngại đều được giải quyết êm xuôi bằng “thủ tục đầu tiên”. Tiền hối lộ cho cán bộ chánh quyền làm giấy tờ giả tăng theo cơn gió lốc đó.

Phượng bắt đầu lập hồ sơ cuối 1988, trong đó có hai giấy tờ giả mạo như sau:
– Ủy Ban Nhân Dân xã ký giấy chứng nhận, ghi Lọ là con cô hàng xóm “có chồng Mỹ”, cô nầy chết bỏ con lại, Phượng đem về làm con nuôi;
– Giấy khai sanh giả của Lọ ghi ngày sanh là 15 tháng 8, năm 1975 (tức 2 năm trước năm sanh thật của nó). Theo đó, thay vì 11 tuổi, nó thành 13 tuổi. Hơn nữa, nó cũng lớn con, không ai thắc mắc cả.
Phượng “đền ơn” cho cán bộ Sáu một chỉ vàng: cũng còn quá rẻ. Hợp tình, hợp lý quá!
Hồ sơ được gởi qua Tòa Đại Sứ Mỹ ở Thái Lan năm 1989 (lúc đó Mỹ, Việt chưa có quan hệ ngoại giao chánh thức). Sau gần một năm, hồ sơ được chấp thuận và có cuộc phỏng vấn tại Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn do đại điện Tòa Đại Sứ Mỹ từ Bangkok bay qua.
Sau khi nhìn mặt Lọ, ông đại diện Mỹ đồng ý ngay. Có điều mà Phượng không bao giờ nghĩ đến và không ai có thể tưởng, là viên chức Mỹ hỏi thêm về việc chồng cô bị bắn chết và gia cảnh của cô. Sau khi trình bày mọi sự, cô thật tình cảm động, chảy nước mắt, và vì thương mẹ, không nở bỏ mẹ ở lại, cô năn nỉ xin cho bà cùng đi theo.
Có thể vì “chương trình con lai” còn mới, số người xin chưa nhiều, ông đại diện Lãnh Sự Mỹ cho Phượng một thời hạn ba tháng để nộp thêm chứng minh cho mẹ.
Phượng bước ra khỏi Tòa Lãnh Sự như bay bổng lên trời, nàng không thể tưởng tượng được tin vui quá bất ngờ, đi không muốn vững. Về cho mẹ hay: hai mẹ con ôm nhau vừa mừng vừa chảy nước mắt.
Bước qua năm 1990, giấy tờ bà mẹ được đầy đủ, Phượng gởi qua Thái Lan và chờ thơ hẹn ngày phỏng vấn.
Phượng tặng thêm một chỉ vàng cho cán bộ Sáu: “bánh ít đi bánh quy lại”, mọi người đều có lợi!

Tin Phượng lập hồ sơ cho gia đình đi Mỹ được đồn ra. Người ngoài bàn tán xôn xao. Riêng trong gia đình, không ai có thể ngờ thằng Lọ trước đây bị khinh rẻ lại là vị cứu tinh cho cả nhà.
Cuộc phỏng vấn sau cùng có Phượng, ba đứa con và bà mẹ, tổng cộng là năm người. Đến phút chót, ông đại diện Mỹ đứng dậy bắt tay từng người và chúc nhiều may mắn tại nước Mỹ.
Năm kế tiếp, sau Tết ta một tháng, Phượng có trong tay năm vé máy bay đi từ Sài Gòn đến Manila (Phi Luật Tân), tại đây, trong 6 tháng, các gia đình tị nạn được chánh phủ Hoa Kỳ nuôi ăn, cung cấp chỗ ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình giải trí, và dạy tiếng Anh cùng cách hội nhập vào xã hội mới tại Hoa Kỳ.
Về nhà cửa ở Cần Giuộc, gia đình anh Hai (con trai bà) tiếp tục ở đó. Trong khi chuẩn bị đồ đạc, bà mẹ khóc sướt mướt vì phải từ bỏ đất đai, mồ mả, quê hương. Anh Hai khuyến khích bà:
– Nhiều người có tiền muốn đi mà không được, má cứ đi chơi, qua bển ở không được thì trở về!
Phượng nói thêm:
– Con nghe nói người già ở Mỹ được chánh phủ cho nhà ở, cấp tiền mỗi tháng, được chăm sóc thuốc men đầy đủ; ở đây, nhà nước có ngó ngàng gì tới má đâu, đồng xu cũng không có?
Một ngày trước khi lên máy bay, gia đình Phượng làm tiệc cúng ông bà, cha và chồng để từ giã. Bà con thân quyến nghe tin đều có mặt, không thể thiếu một bàn riêng dành cho anh Sáu và mấy công an, cán bộ khác của xã để được “vui vẻ cả làng”.
Tiếng cười rất nhiều, nước mắt cũng không thiếu, nhứt là bà mẹ tuy muốn đi nhưng còn nhiều quyến luyến; bà ôm từng người trong gia đình còn ở lại, nước mắt lưng tròng, miệng lập lại câu: Thôi bây ở lại mạnh giỏi nghen!
Hai đứa con trước của Phượng lăng xăng, vui mừng hơn ai hết.
Riêng về Lọ, không còn những lời phê bình đố kỵ, chê cười đối với nó nữa. Ai cũng nhìn nó với thiện cảm, người thì khen:
– Thằng Lọ dễ thương quá, nó cười hoài!
– Thằng Lọ coi vậy mà mặt mũi bảnh quá chớ! Chỉ có cái đen thôi!
Bà Năm hàng xóm vuốt ve nó, vò đầu nó… Bà ngoại ôm cháu vào lòng, đầy âu yếm.
Cũng có người cho nó là anh hùng. Nghĩ lại, nó anh hùng thật, vì đã chịu đựng bao cay đắng, tuy nó còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau đớn kỳ thị là thế nào.
Riêng về Phượng, nàng là người hãnh diện hơn cả. Nhờ quyết tâm và trì chí, nàng đã biến cái bào thai bất đắc dĩ và gánh nặng kỳ thị thành ánh sáng ban mai rạng rỡ. Đời đã trao cho Phượng trái chanh chua, nàng đã hóa trái chanh chua thành nước giải khát ngọt!
Người Pháp có câu: “A quelque chose, malheur est bon”, hiểu theo nghĩa Việt Nam là “trong cái rủi, có cái may”, nếu ta biết tận dụng hoàn cảnh.

(05/08)

Lê Văn Hưởng

(Bài nầy được đăng trong Tuyển Tập VĂN HỌC THỜI NAY, Quyển X, gọi là “Tuyển Tập Hay Nhất” 2008).