thơ

ĐỊA CẦU VÀ ĐẤNG TẠO HÓA

 

Địa cầu, hành tinh thứ ba trong Thái Dương hệ, cách mặt trời 93 triệu dậm (149.6 triệu km), một khoảng cách vừa phải để nhận năng lượng từ mặt trời. Những hành tinh khác đều giữ một khoảng cách hoặc quá gần hay quá xa mặt trời; Quá gần sẽ chịu nhiều sức nóng, quá xa thì bị băng giá bao trùm, khó hổ trợ cho sự sống.

          3/4 diện tích địa cầu là biển, phần còn lại là lục địa, chứa đầy sinh vật: thảo mộc, côn trùng, chim trời, động vật từ thấp đến cao, bé nhỏ đến to lớn.

          Khí hậu ôn hòa giúp muôn loài sống rất tốt, sanh sản và phát triển phong phú. Biển cả mênh mông, chứa đầy loài thủy tộc, đồng thời tạo thành một guồng máy thanh lọc mọi cặn bã thảy ra từ đất liền, và cũng là một bộ máy thời tiết đều hoà khí hậu.

          Bên ngoài không gian, nhìn về Thái Dương hệ gồm có chín hành tinh lớn nhỏ, quay chung quanh quỹ đạo mặt trời. Địa cầu nằm trong vị trí tốt nhất, là hành tinh xanh biếc như một hòn ngọc sáng trong không gian vô tận.

          Địa cầu quay quanh mặt trời 365.26 ngày 1 vòng, và cũng quay quanh trục của nó một vòng là 24 giờ. Nó có một hộ tinh quay chung quanh với khoảng cách 384,400 km, gọi là mặt Trăng, đường kính kém hơn 1/3 trái đất.

          Trong các loài động vật trên mặt đất, có một loài rất đặc biệt, bé nhỏ nhưng rất thông minh, đó là loài người. Loài người với trí tuệ sáng tạo đã trở thành loài cai quản tất cả mọi loài khác, lớn hay nhỏ sống trên mặt đất.

          Mặc dù không có cánh để bay như chim trời, không thể sinh hoạt lâu như cá trong nước, không thể chạy mau như ngựa, không có sức mạnh như sư tử, nhưng loài người đã xử dụng trí tuệ ưu việt của mình để chế tạo những bộ máy phức tạp, có thể thực hiện tất cả các khả năng mà các loài khác có thể làm, lại còn làm tốt hơn.

          Địa cầu, loài người và mọi sinh vật có nguồn gốc như thế nào, vẫn là một đề tài nhiều tranh cãi. Vì tuổi thọ trung bình của loài người trên dưới một trăm năm nên khó biết tận nguồn gốc. Nhưng loài người có một đặc điểm mà các sinh vật khác không có, đó là tâm linh.

          Tâm linh loài người thúc dục con người đi tìm chân lý, nguồn gốc và nguyên nhân của mọi vấn đề.

          Nhìn vào một thế giới đẹp đẽ đầy màu sắc với kỳ hoa dị thảo. Mặt trời lên từ hướng Đông rồi lặn dần về hướng Tây, tô lên nền trời những sắc màu rực rỡ kỳ diệu. Mặt đất chứa đầy thực phẩm nuôi dưỡng muôn loài. Tất cả đều là những tác phẩm nghệ thuật hoàn thiện, làm rung động tâm linh của loài người.

          Phải chăng tất cả vạn vật đều do một bàn tay nào đó đã tạo nên? Nhìn lại những công trình thông minh do chính loài người tạo ra, từ chiếc đồng hồ đeo tay, máy tính điện toán, xe hơi tối tân cho đến phi thuyền phóng lên cao, vượt qua bầu khí quyển, bay vào không gian, rồi gởi những hình ảnh về cho con người nhìn thấy hành tinh mà họ đang sống. Những công trình khéo léo đó há tự nó mà ra sao? Không! chính chúng ta đã sáng tạo và làm nên chúng. Vậy, ai là người đã tạo ra chúng ta?

          Con người bắt đầu đào xới, nghiên cứu từ những tảng đá, từng bộ xương xa xưa, có hình dạng tương tự như mình, những di tích của các nền văn minh cổ đại.

          Có phải đây là nguồn gốc của chúng ta?

          Có thể nào con người văn minh đầy trí tuệ ngày nay là kết quả của sự tiến hóa từ những loài khỉ, vượn?

                    Ôi! Thật là khó chấp nhận.

          Cuộc nghiên cứu tiếp tục sang lãnh vực cổ thư. Những thư viện lưu truyền từ nhiều ngàn năm đã được khai mở. Người ta tìm thấy một bộ cổ thư gọi là Thánh Thư từ nhiều ngàn năm trước, ghi chép lại về nguồn gốc sáng tạo của vũ trụ và con người, xuất phát từ một Đấng Tạo Hóa.

          Thánh Thư chép rằng: Ban đầu, Đấng Tạo Hóa sáng tạo trời và đất.

          Đất không có hình trạng và trống không, bóng tối bao trùm mặt vực, và Thần Đấng Tạo Hóa vận hành trên mặt nước.

Ngày thứ nhất.

Ngài phán: Hãy có sự sáng. Sự sáng liền xuất hiện. Sự sáng xua tan bóng tối. Đấng Thượng Đế thấy sự sáng là tốt lành bèn gọi sự sáng là Ngày và bóng tối là Đêm. Có buổi chiều và buổi mai, ấy là ngày thứ nhất.

Ngày thứ hai.

Đấng Thượng Đế lại phán: “Phải có một cái vòm giữa khối nước để phân cách nước với nước.” Đấng Thượng Đế làm nên vòm trời và phân cách nước ở dưới vòm với nước ở trên vòm, thì có như vậy. Đấng Thượng Đế gọi cái vòm là “bầu trời.” Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ hai.

Ngày thứ ba.

Đấng Thượng Đế phán: “Nước dưới bầu trời phải tụ lại một nơi và phải có chỗ khô cạn xuất hiện,” thì có như vậy. Đấng Thượng Đế gọi chỗ khô cạn là “đất,” còn khối nước tụ lại là “biển.” Đấng Thượng Đế thấy điều đó là tốt đẹp. Đấng Thượng Đế phán: “Đất phải sinh thảo mộc: cỏ kết hạt giống, cây trên đất tùy theo loại mà ra trái và kết hạt,” thì có như vậy. Đất sinh cây cỏ: cỏ kết hạt tùy theo loại, cây ra trái và trong trái có hạt, tùy theo loại. Đấng Thượng Đế thấy điều đó là tốt đẹp. Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ ba.

Ngày thứ tư.

Đấng Thượng Đế phán: “Phải có các vì sáng trên vòm trời để phân biệt ngày với đêm, để làm dấu hiệu xác định các mùa, và để làm các vì sáng trên vòm trời soi sáng quả đất,” thì có như vậy. Đấng Thượng Đế tạo nên hai vì sáng lớn: vì sáng lớn hơn để cai quản ban ngày, vì sáng nhỏ hơn để cai quản ban đêm. Ngài cũng tạo nên các ngôi sao. Đấng Thượng Đế đặt các vì sáng đó trên vòm trời để soi sáng quả đất, cai quản ban ngày và ban đêm, và phân rẽ ánh sáng khỏi bóng tối. Đấng Tạo Hóa thấy điều đó là tốt đẹp. Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ tư.

Ngày thứ năm.

Đấng Tạo Hóa phán: “Nước phải đầy dẫy các loài thủy sinh vật, và phải có các loài chim bay lượn trên mặt đất dưới vòm trời.”  Đấng Tạo Hóa sáng tạo các loài cá khổng lồ, mọi loài động vật thủy sinh, tùy theo loại mà sinh sôi nẩy nở trong nước, và mọi loài chim có cánh tùy theo loại. Đấng Tạo Hóa thấy điều đó là tốt đẹp. Đấng Tạo Hóa ban phước cho các loài đó và phán: “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, làm cho đầy dẫy dưới biển; còn các loài chim hãy gia tăng thật nhiều trên đất.”  Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ năm.

Ngày thứ sáu.

Đấng Thượng Đế phán: “Đất phải sinh các động vật tùy theo loại: gia súc, các loài bò sát và thú rừng tùy theo loại,” thì có như vậy. Đấng Thượng Đế tạo nên các loài thú rừng tùy theo loại, gia súc tùy theo loại, và mọi loài bò sát trên đất tùy theo loại. Đấng Thượng Đế thấy điều đó là tốt đẹp.

 

Sự sáng tạo loài người

          Đấng Thượng Đế phán: “Chúng Ta hãy tạo nên loài người theo hình ảnh Chúng Ta và giống như Chúng Ta, để quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài gia súc, và khắp cả đất, cùng mọi loài bò sát trên mặt đất.”

          Đấng Tạo Hóa sáng tạo loài người theo hình ảnh Ngài.

Ngài sáng tạo loài người theo hình ảnh Đấng Thượng Đế.

Ngài sáng tạo người nam và người nữ.

          Bấy giờ, ĐấngTạo Hóa lấy bụi đất nắn nên hình người, hà sinh khí vào lỗ mũi, thì người trở nên một sinh linh.

          Đấng Tạo Hóa ban phước cho loài người và phán: “Hãy sinh sản, gia tăng gấp bội và làm cho đầy dẫy đất; hãy làm cho đất phục tùng, hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời và mọi loài bò sát trên mặt đất.”

          Đấng Tạo Hóa lại phán: “Nầy, Ta sẽ ban cho các con mọi thứ cỏ kết hạt mọc khắp mặt đất, cùng mọi loài cây ra trái có hạt. Đó sẽ là thức ăn cho các con.  Còn các loài thú rừng, loài chim trên trời, loài vật bò sát trên mặt đất, và bất cứ loài nào có sự sống thì Ta ban mọi thứ cỏ xanh dùng làm thức ăn,” thì có như vậy. Đấng Tạo Hóa thấy mọi việc Ngài đã tạo dựng thật rất tốt đẹp. Vậy, có buổi tối và buổi sáng. Đó là ngày thứ sáu.

 

Nguồn Gốc của Ngày Thứ Bảy.

          Như vậy, trời đất và muôn vật đã được sáng tạo xong. Ngày thứ bảy, Đấng Tạo Hóa hoàn tất các công việc Ngài đã làm. Vì thế, vào ngày thứ bảy Ngài nghỉ. Ngài đã làm xong mọi công việc. Ngài ban phước cho ngày thứ bảy và thánh hóa ngày đó, vì vào ngày đó Ngài nghỉ sau khi đã làm xong mọi công việc sáng tạo.

Đó là gốc tích sáng tạo trời và đất. (Phỏng trích từ KT, Sách Sáng Thế 1,2)

          Bộ sách này có từ thời cổ, đã qua bao ngàn năm đến nay vẫn còn được xử dụng. Sự sáng tạo xảy ra trong sáu ngày và ngày thứ Bảy, là ngày nghỉ, đánh dấu một chu kỳ của tuần lễ bảy ngày như hôm nay chúng ta đang áp dụng. Điều này không căn cứ  vào một hiện tượng nào từ thiên văn hay địa cầu.

          Như chúng ta đã biết, sở dĩ ta qui định một ngày có 24 tiếng đồng hồ là tính theo một vòng quay của địa cầu quanh trục của nó. Còn một năm có 365.26 ngày là căn cứ vào một vòng quỹ đạo của địa cầu quanh mặt trời. Riêng tuần lễ có bảy ngày là bắt nguồn từ quyễn sách này mà thôi.

          Quyển Thiên Thư ấy còn gọi là Kinh Thánh, ghi chép rất nhiều điều lạ lùng nhưng hợp lý trong sự tìm về nguồn gốc của sự hiện hữu loài người và vũ trụ.

Ngọc Linh Phong 16/08/2018