NGƯỜI VỢ QUÊ
“Tóc mai sợi vắn sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm.”
Đỗ An quê Thủ Đức, vùng chùa Huê Nghiêm. Lúc bấy giờ chưa có xa lộ Saigon-Biên Hòa. Muốn lên nhà anh, tôi đạp xe từ Phú Nhuận, qua cầu Bình Lợi, cầu Gò Dưa, vào chợ Thủ Đức, rẽ đường đá đỏ ngang chùa Huê Nghiêm, đi thật xa mới đến nhà An.
Đỗ An và tôi học cùng lớp trường tư thục Nguyễn Khuyến, gần Chợ Đũi Sài-gòn. An thích tôi vì hai đứa đồng tuổi, hợp tính và nghèo. Nhưng điều quan trọng hơn, An muốn tôi lấy Huyền, em gái anh.
Huyền học hết tiểu học, ở nhà phụ giúp gia đình. Ngoài mẫu ruộng phải làm, bốn giờ sáng hàng ngày Huyền gánh rau ra chợ Thủ Đức bán, xế chiều mới về nhà. Tất cả dồn tiền bạc để Đỗ An ăn học, hy vọng mai sau anh giúp gia đình thoát cảnh đói nghèo.
Ba má An muốn chọn tôi làm rể, ngỏ ý nếu có dịp, mời ba má tôi lên chơi để thắt chặt tình thân hai gia đình. Tôi vâng dạ cho qua chuyện vì tôi chê Huyền. Nàng không đẹp. Dầm mưa dãi nắng lo việc đồng áng, buôn bán gánh gồng suốt ngày ngoài chợ nên nước da nàng nâu sẫm. Thâm tâm tôi lại thích làn da trắng, tươi mát. Bàn tay nàng thô kệch, ngón tay mập ú như trái chuối cau, tôi lại chuộng bàn tay mềm mại, ngón thon dài búp măng. Quần áo Huyền xốc xếch, đầu tóc Huyền bù xù, giữa đỉnh mũi có nốt ruồi đen như hột đậu. Mới chỉ hình thức bên ngoài, tôi đã thật sự mất hết hứng thú. So với Như, người tôi thương ở trường Nguyễn Khuyến, điên khùng tôi mới lấy Huyền làm vợ.
Không biết An tán thế nào, ông bà cụ tôi cứ đòi lên Thủ Đức thăm gia đình An. Khi gặp mặt Huyền, bà ngắm nghía và hỏi chuyện Huyền thật kỹ. Bà so sánh ngược lại, cho rằng Như, cô gái tâm đầu ý hiệp với tôi không đảm đang, chung thủy, nết na bằng Huyền. Mặc dù Huyền chẳng đẹp, nhưng tướng phúc hậu, giọng nói thanh tao, ẩn trong tóc mai có nốt ruồi son, rất quí tướng. Má tôi rất thực tế. Vợ chồng là chuyện sống đời ở kiếp, chăm sóc đùm bọc lẫn nhau chứ không ăn sổi ở thì, một sớm một chiều bỏ nhau. Má tôi bắt tôi phải cưới ngay, không kịp học thi Trung Học Đệ Nhất Cấp. Áo mặc không qua khỏi đầu. Tôi rất thương ba má tôi. Thân trai hiếu thảo nên đành nhắm mắt theo lệnh song thân.
Chiều tân hôn, tôi buồn bực, cùng bạn bè uống rượu đến say túy lúy. Tối đó tôi ngủ tại phòng khách. Nửa đêm, trong cơn mơ mơ màng màng, tôi thấy Như đến, mặt mày ủ rũ. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vội vội vàng vàng như sợ thời gian cắt đứt niềm hạnh phúc. Nàng dâng hiến trọn cuộc đời trong trắng cho tôi. Tôi đã âu yếm nàng với tất cả đam mê như trên đời này chỉ duy nhất có một mình nàng đem hoan lạc đến… Sáng ra, tôi mới biết mình đã nằm cạnh Huyền trên giường tân hôn và Như của tôi đêm qua chính là Huyền !
Ba má tôi quý Huyền lắm. Dĩ nhiên trong nhà một tay nàng quán xuyến. Quần áo dơ, tôi quăng bừa bãi cho bõ ghét. Nàng giặt giũ sạch sẽ, ủi cẩn thận, máng trong tủ. Khăn tay vải phin trắng phau, nàng rua chỉ vàng nhạt – màu tôi ưa thích – cả chục cái, xếp gọn gàng trong ngăn. Hai em gái tôi quấn quýt bên Huyền vì Huyền không để các em tôi động móng tay. Ngủ riêng sợ ba má tôi rầy rà, đêm nào đi ngủ tôi cũng mặc hai ba lớp quần áo như dạo phố mùa đông, mặc dù mùa hè nóng bức tươm đầy mồ hôi. Tôi không muốn gần nàng thêm nữa. Huyền không nói năng gì, vẫn lo tròn bổn phận làm vợ và làm dâu.
Thi trượt THĐNC, tôi đi quân dịch. Thế là thoát hoàn cảnh trớ trêu, khỏi làm chồng bất đắt dĩ. Trong những cuộc hành quân xa nhà, đôi khi tôi cũng chạnh lòng nghĩ đến Huyền. Nhưng vào các thành phố tạm dừng quân, các em gái quán rượu đã xóa nhòa tất cả trong tôi. Tôi phải lòng Thơ, con bà chủ quán. Nàng thích tôi vì tôi tiêu tiền xả láng. Chúng tôi chung sống với nhau như vợ chồng. Qua thời gian dưỡng quân, tôi lại lên đường theo chiến dịch.
Một lần hưởng 7 ngày phép, tôi không về Saigon, tạt qua nhà người vợ không cưới hỏi. Thấy tôi, Thơ đỏng đảnh cười. Nàng xòe tay hỏi lương bổng. Tôi trả nợ Quân Tiếp Vụ hết tiền. Nàng trở mặt, càm ràm:
– Xời ơi, lương hạ sĩ nhất của anh không đủ cho tôi mua son phấn ! Xí, nghèo mà ham…
Tôi thất thần… Bà hàng xóm rỉ tai:
– Nó đang cặp bồ với một ông Đại úy Pháo Binh. Chiều nào cũng rong chơi bằng xe “dép”.
Tôi về đơn vị, dù chưa hết phép.
°
Cuối tháng Ba năm 75, đơn vị tôi theo đường biển rút về Vũng Tàu, sau đó tôi đi luôn ra nước ngoài. Tôi không sao lần mò về nhà được vì đường sá đầy trắc trở, cho dù lòng tôi xốn xang lo cho ba má và các em gái tôi.
Khi định cư tại Mỹ, tôi mất liên lạc với gia đình. Mãi lâu về sau, Đỗ An tìm được địa chỉ tôi và viết thư cho biết hai em gái tôi vượt biên, thuyền đắm và hai đứa chết vùi dưới lòng đại dương. Gia đình tôi bị đuổi đi vùng kinh tế mới. Huyền cuốc đất trồng khoai, trồng bắp, chăm sóc ba má tôi như chăm sóc cha mẹ ruột. Ba má tôi lo buồn, thiếu ăn, sinh bạo bệnh, lần lượt lìa đời. Huyền bán chiếc nhẫn cưới kỷ niệm để lo chôn cất hai người.
Một hôm, tôi nhận tin của Đỗ An. Trong thư An nói sau khi cúng 49 ngày má tôi, Huyền đã rời nhà và không biết đi về đâu. Khi An đến chỗ Huyền ở, căn nhà trống hoác. An tìm thấy một gói giấy dầu trong tủ gỗ cạnh chõng tre. An mở ra. Chiếc áo chemise cũ của tôi được cuộn tròn trong chiếc áo cưới màu trắng tinh khiết của nàng. Sống đời chẳng trọn vẹn, lúc biệt ly, nàng chỉ dám ước muốn hơi hướm hai người quyện mãi vào nhau…
°
Rồi một ngày tôi mới chợt nghĩ đến mình. Ngày đó người bạn làm chung sở giới thiệu người em gái bà con: Cô Hồng Lan, đang sống với ba má nàng ở Long Khánh – Việt Nam.
Ngoài bốn mươi tuổi đời, trải qua biết bao long đong, buồn nhiều hơn vui, khổ nhiều hơn sướng, tôi như quên hẳn mình còn có cuộc sống trên thế gian sầu ải này. Nơi thành phố Libertyville, bang Illinois vắng người Việt, tôi như một cái máy. Ngày ngày đi làm, tối về chui vào căn phòng thuê nhỏ hẹp để ngậm nhấm thời gian dài không bao giờ dứt.
Qua mô tả của Thiện, tôi tàm tạm hình dung con người Hồng Lan. Trước sự dửng dưng của tôi, Thiện đích thân xuống dịch vụ Du Lịch ở Uptown Chicago đặt vé máy bay. Đến ngày đi, Thiện lái xe đưa tôi ra sân bay để tôi về Saigon.
Tôi lại cũng như một người máy Robot, vai đeo balô đựng vài bộ quần áo, thẫn thờ chui vào phòng chờ đợi phi trường O’ Hare. Đầu óc rỗng tuếch của tôi đôi khi lóe lên hình ảnh người vợ thật quê mùa, nhưng đầy tình thương yêu tôi, đầy đức tính hiếu thảo đối với cha mẹ chồng, khiến tôi nhắm mắt lại, chỉ muốn khóc như đứa trẻ thơ. Về Việt Nam chuyến này, tôi cảm thấy lòng thật miễn cưỡng. Con người tuy khô khan, chôn chặt thâm tình vào dĩ vãng, nhưng khi nghĩ tuổi già đến gần kề, phút giây nào đó tôi cuống quít lo toan đến lúc đau yếu, cô đơn, sống lăn lóc trong bệnh viện hoặc trong nhà dưỡng lão. Động cơ duy nhất không vững chắc đó khiến tôi nghe lời đường mật của Thiện để làm một chuyến trở về quê hương sau hai mươi năm biền biệt nơi xứ người…
Mò mẫm theo địa chỉ Thiện ghi, tôi tìm nhà Hồng Lan không khó khăn vì Long Khánh là một thành phố nhỏ bé. Màu đỏ vùng đất lạ như có ma lực cuốn hút tôi. Tôi tự hỏi không lẽ nơi chốn có người con gái chưa quen này đã khiến tôi chối bỏ hình ảnh người vợ chỉ một lần gần gũi?
Gia đình Hồng Lan thuộc loại khá giả. Ông bà cụ năm nay ngoài bảy mươi, nhưng còn rất khỏe mạnh. Trước năm 1975, ông bà có cửa tiệm xuất nhập cảng trên đường Tự Do, quận I Saigon. Sau khi bị đánh tư sản, ông bà và các con về sống với người con trai lớn có vườn cà phê và tiêu ở đây.
Hồng Lan 31 tuổi. Ba nàng cho biết bởi tánh tình cao ngạo nên đám nào đến dạm hỏi, nàng đều chê bai và từ chối. Vì quá kén chọn, mãi đến nay nàng vẫn phòng đơn gối lẻ. Sắc mặt hồng hào, dáng người thon thon, chân tay yểu điệu, mới thoạt nhìn ai cũng tấm tắc vừa ý và muốn kết thân. Sau khi tốt nghiệp Phổ Thông Trung Học tại địa phương, nàng về Saigon theo học Đại Học Tổng Hợp. Một hôm, do bất đồng ý kiến với người chị ruột thứ ba ở Saigon, nơi Hồng Lan trú ngụ, Hồng Lan đùng đùng bỏ về Long Khánh với cha mẹ, không thèm học nữa.
Ngồi nói chuyện với người con gái diễm lệ và kiêu sa này, tôi chưa tự vấn được lòng mình là có nên tiến tới hay không. Mặc dù là người sống trên đất Mỹ, nhưng tôi chưa qua nổi ngạch cửa Trung Học Đệ Nhất Cấp, còn Hồng Lan đã leo lên năm thứ hai Đại Học. Sự chênh lệch này khi biết rõ, nàng có khinh thường tôi không ?
Đêm trăng miền quê yên tịnh và thật thơ mộng. Đồng hồ treo tường đổ 12 tiếng. Tôi vẫn không sao ngủ được. Múi giờ chênh lệch, bây giờ là 12 giờ trưa tại Illinois… Tôi chợt nghe tiếng Hồng Lan quát tháo, chửi bới. Có tiếng đáp lại nho nhỏ… Có lẽ nàng rầy rà người giúp việc. Ban chiều, theo lời ông cụ nói, người giúp việc làm quần quật mọi chuyện trong gia đình khiến Hồng Lan thêm lười biếng.
°
Sáng hôm sau tôi thức giấc muộn vì một đêm trằn trọc. Má Hồng Lan cho biết Hồng Lan chờ tôi ngủ dậy để cùng nhau ra chợ Long Khánh ăn sáng và dạo phố. Chờ mãi không được nên nàng đã đi với chị dâu và bảo sẽ mua hủ tíu mang về cho tôi.
Khoảng gần trưa, Hồng Lan và người chị dâu về. Ngồi ngoài phòng khách, tôi nghe Hồng Lan tíu tít sai người làm hâm nóng hủ tíu cho tôi và ba má nàng trong phòng ăn kế bên. Lời nói lăng xăng của Hồng Lan khiến ông bà cụ có vẻ vui.
Ông nói:
– Tánh tình con nhỏ hay càu nhàu, quạu gắt. Hôm nay nó trở tánh, chắc cháu biết tại sao rồi phải không?
Tôi gật đầu, biểu lộ thông cảm.
Tôi chợt nghe Hồng Lan hét the thé:
– Cái chị này hư quá, sao không lấy muỗng ? Bộ bắt người ta cầm tô húp nước lèo hả ?
Tiếng chị người làm lí nhí đầy vẻ sợ sệt.
Vào phòng ăn, ông bà cụ thân mật mời tôi cầm đũa. Tôi cảm thấy ngon miệng với tô hủ tíu mà lâu lắm tôi mới được thưởng thức hương vị quen thuộc này. Khi ăn xong bữa, Hồng Lan dẫn tôi thăm vườn cà phê sau nhà. Đến cạnh giếng nước, Hồng Lan sai chị giúp việc kéo nước để nàng rửa miệng và tay chân trước khi đi. Bàn tay Hồng Lan trắng nõn, mềm mại, chứng tỏ nàng không bao giờ làm bất cứ công việc gì.
Chị người làm trượt tay, nước đổ văng tung tóe làm quần áo Hồng Lan ướt sũng. Nàng la oai oái và giằng lấy gàu nước bằng thiếc, đập vào mặt chị giúp việc. Tôi bất ngờ trước hành động của Hồng Lan. Hồng Lan ngúng nguẩy trở vào nhà thay quần áo và lầm bầm dặn tôi chờ.
Cạnh sắc đáy gàu nước chém rách gò má chị giúp việc. Máu tươi rỉ ra. Động lòng trắc ẩn, tôi vội rút khăn “mùi soa” bịt vết trầy sướt của chị người làm. Đến bây giờ tôi mới nhìn rõ tận mặt con người xấu số mà từ hôm qua đến nay tôi chỉ nghe Hồng Lan nặng lời sỉ vả, la rầy thậm tệ.
Từ đôi mắt một mí của chị giúp việc, hai giọt lệ lăn dài trên gò má gầy gò và xanh xao. Chị nhắm nghiền mắt lại, tay chân run rẩy. Chị mặc bộ quần áo đen cũ bạc thếch, sờn vai. Tóc tai rũ rượi, mắt thâm quầng, chị ủ rũ, mệt mỏi, chứng tỏ một người làm nhiều mà thiếu ngủ và thiếu ăn.
Bất thần tôi nắm chặt hai bàn tay xương xẩu và chai cứng của người trước mặt. Gương mặt cách đây hơn hai mươi năm với nốt rồi đen giữa đỉnh mũi mà tôi đã ruồng bỏ… Gương mặt mà tôi ghi nhớ, chôn chặt tận đáy tâm hồn vì hối hận và lương tâm cắn rứt… Huyền, người vợ bạc phước của tôi đây sao ? Cả nước Việt Nam tám mươi triệu người, cả nước Việt Nam rộng mênh mông; cao xanh, ơn trên nào dun rủi cho tôi được gặp lại nàng nơi này ? Đây là giấc mơ hay sự thật ? Có thể niềm đau canh cánh trong lòng, nỗi thống khổ dâng trào từ đáy tâm can nên đấng thiêng liêng huyền bí thương xót một nàng dâu hiếu thảo, một người vợ thủy chung đã tái hợp hai tâm hồn còn nặng nợ với nhau.
Tôi nói trong xúc động:
– Huyền phải không ?
Tiếng nấc người đối diện một lúc một to…
Tôi hỏi tiếp:
– Huyền có nhận ra… anh không ?
Đắn đo một lát, Huyền gật đầu:
– Làm sao… tôi quên được… ông.
– Sao Huyền không đến hỏi han anh ?
Huyền yên lặng không đáp. Tôi cảm nhận niềm chua xót hiện trên mặt Huyền. Hai giòng lệ tiếp tục trào ra… Lúc Huyền còn là con gái, tôi đã dã man ruồng rẫy Huyền, huống hồ bây giờ thân phận Huyền chỉ là người làm công thấp hèn, làm sao Huyền dám gợi chuyện với tôi, một Việt kiều từ Mỹ về, đang có ý định kết hôn với Hồng Lan, chủ của Huyền. Mặc cảm người cùng đinh khiến Huyền âm thầm chịu đựng vì cuộc đời Huyền bất hạnh từ lúc bước lên xe hoa. Tôi đã làm mất tuổi thanh xuân của Huyền. Tôi đã đẩy Huyền vào một hoàn cảnh cực kỳ sầu thảm… Đền bù Huyền bao nhiêu mới xứng đáng để lòng tôi không còn ray rứt ?
Tôi xoa nhẹ đôi bàn tay Huyền. Tấm lòng con dâu thảo hiền đã thúc dục nàng lao động cật lực, vất vả trăm chiều, nuôi ba má tôi trên vùng Kinh Tế Mới. Nàng đã chôn cất ba má tôi, tạo mồ yên mả đẹp cho cha mẹ chồng. Đôi bàn tay này không trắng trẻo, không thuôn đẹp búp măng, nhưng đã gói trọn nỗi buồn rưng rức trong tà áo cưới của Huyền với chiếc áo cũ của tôi trước khi dấn thân vào cuộc đời vô định, không nơi nương tựa, không biết ngày mai sẽ ra sao…
Thấy Hồng Lan tròn xoe mắt đứng trân trân nhìn, sau đó mặt mày cau có, tôi vẫn nắm chặt tay Huyền như không muốn đánh mất nàng lần thứ hai. Huyền đây mới chính là người vợ thực sự của tôi… °
Chicago, những ngày giao mùa 2002
NGUYỄN THANH DŨNG