NGHIÊN CỨU

TIẾNG VIỆT DIỆU KỲ

Qua Cái Nhìn Của Nhà Văn VÕ PHIẾN 
Và GS. Duyên Hạc LÊ THÁI ẤT

 * Người Xứ Vạn
Viết tặng các trẻ Việt tại hải ngoại
***

“Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời… Mẹ hiền ru những câu xa vời à ơi…”. Tôi xin mở đầu câu chuyện “Tiếng Việt diệu kỳ” bằng những vần thơ mộc mạc nằm nôi đã trở thành thần thoại vì đã thoắt biến thành nhạc (do nhạc sĩ PDuy phổ nhạc). Nó biến thể từ hồi nào vậy? Sao thơ lại biến thành nhạc không để lại dấu vết? Ấy thế mới hay tiếng Việt thật tài tình, diệu kỳ! Cái ngôn ngữ Mẹ đẻ bao la bỗng chốc trở thành đại dương mênh mông vô tận mà mình là người thụ hưởng ân sâu không bao giờ hết.

Có một lần cách đây khá lâu trên đồi “Mao Cú Tha” (Mt Coutha) ở xứ Bà Hoàng vào một đêm khá lạnh, có mây mù vây quanh đỉnh núi. Tôi cùng phái đoàn của ông Võ Văn Ái & cô Ỷ Lan từ bên Pháp sang chơi, được mời lên đồi ngắm cảnh. Nhìn thấy cả trời nước bao la sương khói chập chùng, bất giác cô Ỷ Lan ngâm hai câu thơ bất hủ của đại thi hào Hàn Mạc Tử nhà ta “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh, Ai biết tình ai có đậm đà…”. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Dĩ nhiên là cô ngâm thơ bằng tiếng Việt, nhưng chẳng phải là thứ tiếng Việt suông đuột, nhạt nhẽo. Giọng ngâm của cô là âm hưởng của vùng sông Hương núi Ngự miền Trung – tức giọng Huế đấy. Nhất là khi cô thả ở cuối câu giọng trại trại ngã nghiêng “Ai biết tình ai có đậm đà…” thì dù có cách xa muôn trùng đi nữa, tôi vẫn nhớ về miền Trung, nhớ nhà đến chết được!

Cô Ỷ Lan là một người Anh, huyết thống chẳng có giây mơ rễ má gì với người VN mình hết, ấy vậy mà cô đã học hỏi, xử dụng tiếng Việt đến độ làu thông. Phục! Có lẽ khó tìm người ngoại quốc nào có thể nói tiếng Việt hay hơn cô nữa. Tôi tò mò hỏi cô Ỷ Lan nguyên do nào khiến cô đã học tiếng Việt hay vậy? Cô kể rằng có một hôm đến nhà người bạn VN chơi (chắc là ông VVÁi), thấy mấy ông bạn nói câu gì tràng giang đại hải hết sức ngộ nghĩnh gồm hầu hết những âm “oa oa” nghe như tiếng con nít khóc. Rồi bất chợt cả nhà phá lên cười khiến cô không hiểu mô tê gì cả. Cô tức mình phải tìm hiểu cho được, thì ra đó là câu “Hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, hôm nay qua hổng nói qua qua mà qua lại qua” với những âm thanh “oa oa” trùng lập tưởng chừng như chẳng có ý nghĩa gì cả lại là một câu nói tự tình rất xúc tích. Chính điều ngẫu nhiên của cái ngôn ngữ kỳ diệu này đã khiến cho cô yêu mến tiếng VN mà ra công tu luyện. Bây giờ thì cô Ỷ Lan đã trở thành người Việt da trắng chính cống rồi! Ấy! Tiếng Việt kỳ diệu đến mức khiến cho một người ngoại quốc như cô phải mê mệt. Thế thử hỏi các em mang giòng máu đỏ da vàng, đã từng nghe tiếng Mẹ ru từ thuở nằm nôi thì làm sao lại không yêu quý tiếng Việt của mình nhỉ?

Một trong những nhà văn tôi mê nhất phải kể là nhà văn Võ Phiến, tác giả của mấy quyển Tùy Bút. Chẳng phải là vì ông cùng quê hay họ hàng gì với tôi ở cái xứ Bình Ðịnh quê ngoại của tôi (xứ bánh tráng dừa và mì của vua Quang Trung), nhưng phải nói giọng văn ông thật độc đáo, kể chuyện như đùa nhưng ý tưởng thâm sâu. Ông hay đi từ cái nhỏ nhất đến cái bao quát, từ cái cốt lõi đến cái bao la, từ ruột ra vỏ… Trong bài tham luận đã lâu của ông viết về “Tiếng Việt và Người Việt ở hải ngoại” ông đã phân tích hết sức tinh vi cái hay, cái đẹp của tiếng Việt mà chúng tôi xin phép nhà văn VP gợi lại đây như một sử liệu để hầu chuyện cùng các em.

Theo nhà văn VP, trong khi Tây phương có khuynh hướng thiên về ý niệm triết lý trừu tượng thì thiên năng của Việt ngữ hướng về những gì cụ thể. Nói thế không phải là tiếng Việt không có những tiếng chỉ ý niệm trừu tượng nhưng những từ này thường vay mượn từ tiếng Trung Hoa để diễn tả các tư tưởng triết học, tôn giáo, nghệ thuật, chính trị, kinh tế như các tiếng “lễ nghi, nhân nghĩa, đạo đức, âm dương, liêm sỉ, thiện ác, tạng phủ, hư thực, hiến pháp v.v…”. Còn những tiếng thuần tiếng Việt chỉ những vật cụ thể như “tay, chân, cá, lá cây…”.

Tiếng Việt của chúng ta thật đa dạng. Có khi tiếng Anh, tiếng Úc, tiếng Pháp chỉ có một chữ thì tiếng Việt lại có nhiều từ tương đương để diễn tả. Ví dụ như khi tiếng Úc nói “carry”, tiếng Pháp là “porter” thì VN ta có nhiều tiếng tương đương như “ẵm, bồng, đội, đeo, mang, xách, ôm, xốc, vác, gánh, bưng, bê, khuân, chở, nách, cõng, vực, dìu, dắt, quảy, khiêng v.v…”. Còn khi diễn tả sự chết thì có những từ “chết, mất, trăm tuổi, qua đời, từ trần, tạ thế, tắt nghỉ, thở hơi cuối cùng, về dưới suối vàng, về với tiên tổ, về với Trời Phật, về với Chúa, quy tiên, trút linh hồn, an giấc ngàn thu, nhắm mắt, vĩnh biệt trần gian, ăn xôi, toi, ngỏm, ngủ với giun, mặc áo sáu tấm, mặc áo sơ mi gỗ v.v…”.

Mặc dù tiếng Việt chúng ta cũng đã có dư các tiếng trừu tượng để dùng nhưng xoay đi xoay lại vẫn khoái xài các tiếng cụ thể. Tỉ dụ như “tiếng yêu hay thương”. Chuyện yêu đương thì trời đất đâu có chừa dân tộc nào nếu không muốn nói tiền nhân chúng ta cũng đã biết yêu từ thời khai thiên lập địa. Ấy vậy mà khi nhắc tới “tiếng yêu” – tức cái tình cảm cực kỳ quan trọng ấy trong đời sống con người thì tiếng Việt chúng ta xử dụng màu mè hơn nhiều – nào “trai gái, chim chuột, giăng dện, gió trăng, mèo mỡ, ong bướm, trăng hoa v.v…”. Có khi lại thêm thắt “tò tí, tằng tịu, ong với bướm, chim với chuột”. Như đi thi mà thành công thì gọi là thi đậu, dính, hay đỗ mà thất bại thì gọi là thi trượt, rớt, hỏng… Nói về hương vị cuộc đời thì dùng các từ “chua chát, đắng cay, ngọt bùi, mặn mà…” hay khi nói về tình yêu thì có “lời ong bướm, lời đường mật, nghĩa đá vàng…”. Có khi khen cô gái đẹp lại bảo cô ấy “thơm“. Có công ăn việc làm tốt thì bảo là có “job thơm“… Tóm lại dùng một tiếng cụ thể để diễn tả một ý niệm trừu tượng là ngón sở trường của người VN mình!

Bây giờ ta bàn sang một khía cạnh khác là cách phát âm. Âm phát ra thế nào thì diện mạo y như thế đó. Tỉ dụ như khi một nhiếp ảnh gia ngoại quốc chụp hình thì bảo là “cheeze” để khách hàng cười cho tươi thì tiếng Việt chúng ta chỉ cần mở miệng nói tiếng “cười” tức khắc có nụ cười trên môi liền. Bảo “ngậm” thì không thể nào miệng mở, bảo “hả” thì không thể nào ngậm miệng được”, nói “nhăn răng” thì không thể nào miệng ngậm, nói “khạc” thì người Việt khạc, nói “nhổ” thì chu miệng y như nhổ, nói “hút” thì họ hút vào, nói “phun” thì họ phun ra, nói “nhai” nói “nuốt”, nói “ọe” nói “ọc” đều như thế cả. Nói “cười ha hả” thì miệng họ mở toang mà nói cười “mỉm” hay cười “mím chi” thì mồm họ ngậm hàm tiếu. Ngay như trong thơ văn của cụ Nguyễn Du tiên sinh trong truyện Kiều khi nói “Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh” là chúng ta liên tưởng ngay tới con đường khá quanh co, khúc khuỷu!

Ðâu chỉ có nhà thơ mới dùng được những từ gợi hình, gợi ảnh, những người dân lao động bình thường cũng có thể dùng những từ mô tả rất gợi hình. Tỉ dụ như “Thằng nhỏ trông lí la lí lắc – Cô ấy đi sao mà ưỡn à uỡn ẹo – Hoặc bà ấy khỏe mà sinh ra mấy đứa con sao loắt choắt v.v..”. Cứ nghe như thế là ta có thể hình dung người ấy như thế nào rồi. Biểu thị âm thanh tỉ như mỗi khi có giọt mưa rỏ xuống đâu đó thì ta nghe các âm “tí tách”, gió thổi “phần phật”, đồng hồ kêu tích tắc”, tiếng chuông kêu “leng keng” hay “kính coong”, gió thổi “vi vu”, nước chảy “róc rách” v.v… Còn tác dụng của các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng v.v… đều có khả năng biểu thị tính chất riêng của nó. Tức nghe tiếng thì phát ra ngay tiếng Việt.

Nhiều học giả cho rằng phần lớn các âm tiếng Việt cũng có khả năng biểu thị hình dạng. Tỉ như khi đọc âm “ong” thì y như là có cái gì tròn tròn – như “quả bóng, cong vòng, cái lọng, cái nong, chạy lòng vòng v.v..”. Khi đọc âm “oi” thì phải hắt hơi ra nên có vẻ như phải có cái gì dài ra thêm chút nữa, tỉ như “cái còi, cái ngòi, thòi ra, lòi ra, nhoi lên v.v…”. Âm “ắt” phát ra nghe rất gắt thích hợp cho những động tác “cắt, chặt, ngắt, xắt, gắt, thắt, vặt v.v…”. Phụ âm q thích hợp cho các tiếng hàm ý cứng cỏi như “quát, quạt, quật, quất, quăng, quẳng v.v…”. Phụ âm m cho ta cảm giác êm dịu thoải mái như “mịn màng, mềm mại, mượt mà, mơn mởn v.v…”.

Chưa hết, tiếng Việt có khả năng về điệp ngữ vô cùng phong phú mà các tiếng khác không dễ gì có. Có lần học giả Granet nhặt từ tiếng Trung hoa được 3 trang điệp ngữ như “quan quan, yêu yêu, hoàng hoàng, âm âm v.v…” ông đã cho là hay lắm. Tuy nhiên khi ông khám phá ra là tiếng Việt có cả kho tàng điệp ngữ, ví dụ như “, xanh xanh, chầm chậm, nhạt nhạt v.v…” thì ông hết sức ngạc nhiên về sự phong phú của tiếng Việt vì hầu như chữ nào cũng có khả năng biến thành điệp ngữ. Ta thử nghe vài câu thơ phổ thông trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du mà hầu như ai cũng biết: “Thoắt trông nhờn nhợt màu da, Ăn gì to lớn đẩy đà làm sao!” Chưa hết, cùng diễn tả nét đậm lợt của màu sắc thì có “Xanh lơ, xanh biếc, xanh um, xanh lè, xanh rờn, xanh non, xanh ngắt… Ðỏ thì có đỏ hồng, đỏ chói, đỏ chót, đỏ rực, đỏ lòe, đỏ lòm… Ðen thì có đen thui, đen xì, đen kịt, đen ngòm, đen mù mịt… Trắng thì có trắng xóa, trắng toát, trắng tinh, trắng bóc v.v…”.

Bây giờ ta sang vấn đề mạo tự. Trong tiếng Anh, tiếng Úc ta thấy có chữ “the” đứng trước một danh từ. Tiếng Pháp thì có “le”, “la” chỉ giống đực, giống cái. Còn tiếng Việt của ta thì có rất nhiều tiếng mạo tự, có khi cũng chỉ giống đực giống cái nhưng thường khi còn đi xa hơn thế nữa, nó gợi tả biết bao nhiêu tâm sự, hình ảnh. Trước hết ta hãy quan sát về hai mạo tự cái” và “con“. Nhiều học giả nghiên cứu cho hay hễ cái gì có khả năng động đậy, linh động được thì thường có chữ con đứng trước. Ví dụ như “con thuyền, con trâu, con sông, con cá, con mắt v.v…” còn cái gì yên tĩnh, không động đậy được thì có chữ cái đứng trước, tỉ như “cái bàn, cái nón, cái nia, cái muổng v.v…”. Tuy nhiên có khi cũng có sự phá lệ nhờ biết nhân cách hóa tỉ như câu ca dao “cái cò, cái vạc, cái nông – Sao mày dậm lúa nhà ông hỡi cò” hoặc chữ cái” cũng biểu thị giống cái như câu “con dại, cái mang v.v…”. Tiếng Việt không dừng lại ở đó, như trên đã nói có rất nhiều mạo tự. Tỉ như “con suối, cây gậy, cái cày, ngọn núi, tầng mây, mặt trăng, cơn ghen, trận mưa, giòng suối, mảnh tình, khối tình, nỗi khổ, niềm đau, cơn giận v.v…” mà ngay cả việc diễn tả một chữ “đá” không thôi cũng đã thấy biết bao nhiêu mạo từ đứng trước tùy trường hợp thích nghi mà dùng tỉ như “cục đá, viên đá, tảng đá, khối đá, hòn đá v.v…”.

Sự kỳ diệu của tiếng Việt còn được một người thầy cũ của chúng chúng tôi phân tích thâm sâu. Ðó là Giáo sư Duyên Hạc Lê Thái Ất. Người viết cũng xin phép Giáo sư ghi lại đây như một sử liệu để các em trẻ có dịp đọc cuốn sách này. Trong quyển “Ngôn ngữ VN” phát hành tại Hoa kỳ năm 1996 có phân tích sự giàu có, phong phú của tiếng Việt. Theo Giáo sư, tiếng Việt có âm đơn và âm ghép. Âm đơn mỗi khi đọc lên chỉ độc có một âm, ví dụ như “Anh Ba đi về nhà” có 5 âm riêng biệt. Trái với âm đơn là đa âm hay âm ghép, tỉ như cái nhà, con trâu, mặt trời, sông núi v.v… Và tiếng Việt còn có khả năng Việt hóa các từ ngoại quốc thành đa âm như cà phê, va-li, tắc-xi, ra-dô, xà bông v.v…

Tiếng Việt mang đầy nhạc tính hay còn gọi là nhạc ngữ (tức khi nói lên đã có sẵn nhạc ở trong câu). Chính nhờ thế mà thơ văn của ta bỗng nhiên nhờ nhạc sĩ chuyển hóa, biến thể thành nhạc hồi nào không hay. Tỉ dụ như các bài thơ tình ngày xưa đã trở thành những tình ca bất hủ như “Mộng Dưới Hoa, Nắng Chiều, Con thuyền không bến, Áo lụa Hà Ðông v.v…” hoặc các bài thơ mới ở hải ngoại đã phổ thành nhạc như “Ai trở về Xứ Việt, Trái tim tôi là bến” hoặc các bài thơ nổi tiếng trong tập “Hoa địa ngục” của Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

Nhạc tính trong tiếng Việt có thể biến đổi khôn lường qua giọng nói, giọng hát giọng hò, điệu nhạc dân gian của ba miền đất nước. Chỉ cần hai câu thơ lục bát của Truyện Kiều là ta có thể ngâm lên, hát lên, hò lên, lảy lên đủ mọi thể điệu từ cách ngâm thơ giọng Bắc, đến ngâm giọng Huế, đến ru bài chòi miền Trung, rồi hò miền Nam hoặc có thể biến thành câu vọng cổ nữa. Tỉ như hai câu thơ tả nét đẹp của Thúy Vân và Thúy Kiều “Vân xem trang trọng khác vời, Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang…”.

Cái hay khác nữa của tiếng Việt là sự hoán đảo những tiếng ghép. Có khi sự hoán đảo vẫn giữ nguyên nghĩa như “tay chân và chân tay, con cháu và cháu con, xa gần và gần xa, tranh đấu và đấu tranh v.v…”. Có khi sự hoán đảo làm đổi nghĩa của từ ghép đó, ví dụ “công chúa và chúa công, tử đệ và đệ tử, con sông và sông con”. Có khi sự hoán đảo làm tăng nghĩa của từ chính, tỉ dụ như “đẹp quá và quá đẹp, hay quá và quá hay v.v…”. Nhưng lắm khi không thể hoán đảo được như các chữ “chiến tranh và tranh chiến, tranh dành và dành tranh, sơn hà và hà sơn v.v…”. Ðặc biệt tiếng Việt chúng ta có đặc tính linh động đa dạng. Chỉ nêu vài nét tượng trưng. Tỉ như câu có 3 chữ đã có nhiều chuyện phải nói rồi: “Anh nói không” có thể đảo qua đảo lại đủ kiểu như “Anh không nói”, “Nói không anh?”, Không! Anh nói”… Câu có 4 chữ “Tôi không nói anh” càng đảo ngữ nhiều hơn và khi gặp câu 6 chữ nhưTôi bảo anh về nhà nó” thì phải đọc ngược đọc xuôi không biết bao giờ mới hết ý!

Trường hợp kỳ diệu hơn cả là sự linh động trong thể thơ thuận nghịch độc, nội dung toàn bài không thay đổi khi đọc xuôi cũng như khi đọc ngược. Tỉ dụ như bài thơ tả Ðền Ngọc Sơn chẳng hạn: “Linh uy tiếng nổi thật là đây, Nước chắn hoa rào một khóa mây, Xanh biếc nước soi hồ lộn bóng, Tím bầm rêu mọc đá tròn xoay, Canh tàn lúc đánh chuông ầm tiếng, Khách vắng khi đưa xạ ngát bay, Thành thị tiếng vang đồn cảnh thắng, Rành rành nọ bút với nghiên này” (Thơ Vô Danh). Bạn có thể đọc ngược lại bài thơ này từ chữ cuối của câu trở lên đầu bài vẫn ra đúng ý “Này nghiên với bút nọ rành rành, Thắng cảnh đồn vang tiếng thị thành, Bay ngát xạ đưa khi vắng khách, Tiếng ầm chuông đánh lúc tàn canh, Xoay tròn đá mọc rêu bầm tím, Bóng lộn hồ soi nước biếc xanh, Mây khóa một rào hoa chắn nước, Ðây là thật nổi tiêng uy linh”. Thật là kỳ diệu? Bài thơ trên còn có thể ngắt đoạn để đọc nữa. Hoặc bài thơ theo thể liên hoàn kín như bài Thơ vịnh “Bóng trăng trong” chỉ có 13 chữ dùng mỹ từ pháp điệp ngữ: “Bóng trăng trong thuở trước soi chung, Thuở trước soi chung một tấm lòng, Chung một tấm lòng nay vẫn nhớ, Lòng nay vẫn nhớ bóng trăng trong” (Thơ Duyên Hương).

Rời khỏi thế giới của hai vị học giả nói trên, một nhà văn một nhà giáo, trong đời sống dân gian, tiếng Việt của ta có khả năng trào phúng số một thế giới. Khoái nhất trong tiếng Việt của ta là cách nói lái. Hầu như trong dân gian, người Việt của ta ai cũng biết nói lái. Chỉ cần một tí óc trào phúng là có tiếng cười ngay. Lái có lái tục, lái thanh. Lái tục thì nhiều lắm kể không hết, ở đây chỉ xin nói vài tiếng lái thanh. Tỉ dụ như muốn nói người chiến sĩ tranh đấu khi sa cơ không có đường thoát thì bảo là “đấu tranh thì tránh đâu”. Hoặc “đoàn kết” thì “đếch còn”. Hoặc nhân buổi bầu cử cộng đồng, một người bạn không tham dự hỏi hôm nay ai đắc cử, người kia trả lời là ông “Vũ như Cẩn”, anh bạn kia ngớ ra một lát mới hay là “Vẫn như cũ” tức người cũ vẫn đắc cử! Hoặc tựa bài nhạc thật hay là “Mộng dưới hoa” đã bị lái lại thành “Họa dưới mông”, hoặc “Bây giờ tháng mấy” đảo lại thành “Bây giờ mấy tháng”. Hoặc chơi quần vợt đánh một đường banh thật hay trông thật “đơn giản” như “đang giỡn”.

Cũng chuyện nói lái, về chuyện gái trai, trong nhiều buổi tiệc hoặc đám cưới, người ta kháo nhau các câu đố vui vừa thanh vừa tục như câu đố “Gái Củ chi …?” chẳng hạn. Tức thì có người đối ngay “Trai Yên Thế… ” không phải là tuyệt diệu lắm sao? Còn một câu đối hay khác nữa cũng thuộc loại tiếu lâm gái trai bằng cách nói lái hai lần nhưng không tiện viết ra nguyên câu nên xin nhờ quý độc giả thêm mắm thêm muối vào cho rõ nghĩa. Câu đối này liên quan đến cái tên rất đẹp của người con gái tên gọi Giáng Hương và bên kia là anh Chu Cỏ (xin lỗi những ai có tên này) nhưng khi nói lái hai lần ngược nhau của hai cái tên nói trên và thêm một chút mắm muối gừng hành vào, nó sẽ trở thành một câu đối rất kỳ thú, bất hủ trong chuyện gối chăn, có khả năng làm lứa đôi e thẹn đến đỏ cả mặt.

Có khi đảo ngữ gây ra nghĩa trái ngược, tỉ dụ như ngành hàng không tự nhiên đình công không chuyên chở hàng hóa được thì người Việt mình phán cho một câu “Hàng không như rứa hóa không hàng”. Trong thơ văn của ta thường có vế xướng và họa (hay đối) rất phong phú. Như câu xướng “Da trắng vỗ bì bạch” thì có câu đối lại là “Trời xanh màu thiên thanh”. Trong thể thơ Thất ngôn Bát cú hoặc Ðường luật thì các từ, các câu, các vế đối nhau phải thật là chỉnh, ấy vậy mà luôn luôn có những bài thơ hay. Có khi trong nước ra câu xướng thì ngoài hải ngoại có người đối theo, tỉ như năm trước có câu thơ của ông Hà sĩ Phu gửi ra ngoài rằng “Trời đã sang canh đừng vị kỷ” thì tức khắc ngoài này có Gs NV Khánh ở Úc châu đối ngay “Nước tròn thế kỷ vẫn tàn canh!” (ý nói tàn canh gió lộng). Ông đã dùng chữ Nước, chữ Kỷ cùng chữ Canh để đáp lại một cách hết sức ý nghĩa thực trạng của nước VN mình. Chưa hết, dân gian còn chế ra những câu đố móc họng trong kho tàng ngôn ngữ Việt hết sức phong phú sau 1975 có thể đi vào văn học sử, thuộc loại khóc hổ ngươi mà cười ra nước mắt. Sự trào phúng thể hiện trong đau thương vẫn ngầm chứa nụ cười, cười cợt cay đắng khó tả.

Cũng kỳ thú không kém là những bài thơ thanh tục, tục thanh của Bà Hồ Xuân Hương khi vịnh “Cái quạt” hoặc “Trái mít” chẳng hạn thì ai cũng phải ôm bụng mà cười lăn nhưng thực ra Bà đã tả chính xác cái sự vật đó. Tưởng thanh mà tục, tưởng tục mà thanh. Có khi lời nói ra chìu khen ngợi nhưng sự thực lại có ý mắng nhiếc, nói ngược, tỉ như bảo “Con mẹ ấy đẹp muốn độn thổ” hay khi có ý khen ngợi một cháu bé ngoan, đẹp thì bảo là “con bé dễ ghét chi lạ”. Chưa hết, tiếng Việt trong nhiều trường hợp có khả năng vận dụng mẫu tự T một cách hết sức phong phú. Ngày xưa khi còn nhỏ thường nghe thiên hạ trêu vần B “Bà Ba bán bánh bò bị bò báng bể bụng” đủ thấy hay rồi nhưng lớn lên lại thấy vần T có khả năng chuyên chở nhiều vấn đề phức tạp. Tỉ dụ như khi tả về cô Trần Thị Thu Thuỷ, tức thì có bài văn xuôi vần T như sau (chúng tôi chỉ xin trích một đoạn ngắn phần mở đầu vì bài này khá dài). Truyện Tình: Trần Thị Thu Thuỷ

“Trần Thị Thu Thủy tên thật Trần Thị Thỏ, trú tại thôn Tám, Trảng Tranh, Tỉnh Thừa Thiên. Thuở thiếu thời, trí tuệ thì thường thôi, tuy thế, tính Thủy thật thà, thủ thỉ thù thì, thỏn thà thỏn thẻn, thật thương! Tới tuổi trăng tròn, Thủy tròn trặn, tươi tắn, trắng trẻo, tay tròn trĩnh, tóc thơm thơm, thật tuyệt!”

Ngoài ra còn có một số mẫu tự khác cũng có khả năng sáng tạo tương tự như vần H, vần S chẳng hạn.

Dù sao người viết cũng tha thiết mong các em sớm tìm về nguồn cội bằng cách cố công học tiếng Mẹ đẻ từ khi còn bé. Vì mỗi ngôn ngữ tiêu biểu cho cả một dân tộc, cho cả một con người, huống hồ chi các em đã là người VN, làm sao có thể dứt bỏ tiếng Mẹ đẻ đi được. Cuối cùng xin gợi lại lời người xưa là “Dân ta còn thì tiếng ta còn. Nơi nào có người Việt thì nơi đó có tiếng Việt, có văn hóa Việt”. Và cũng xin mượn lời của nhà văn Võ Phiến để kết thúc bài viết này khi ông nhắn nhủ các em trẻ Việt tại hải ngoại ở khắp bốn phương trời sự lo lắng của ông “Chắc chắn khi các em từ bốn phương gặp lại nhau, các em không chỉ bỡ ngỡ vì khác tiếng nói, mà còn bỡ ngỡ hơn trước những xa cách trong tâm hồn”. Cái xa cách này mới thực đáng sợ, mình đâu có mong như vậy phải không quý bạn, phải không các em?/-

* Người Xứ Vạn