VẠT NẮNG SAU HÈ
Tâm bỏ xe để thả bộ quanh phố. “Anh tài xế ơi, anh đi chơi mấy tiếng hoặc về nhà rồi chiều ra đón tôi cũng được”. Những điều mà người tài xế đang hào hứng và hãnh diện giới thiệu cho Tâm như đường Phan Đình Phùng với 4 làn xe đi thông tới Lào, trên đường nhiều nhà cao tầng, cuối đường là bến xe mới rộng tới cả chục mẫu đất, trước mắt là khách sạn 4 tầng, 5 sao tiêu chuẩn quốc tế… thực sự chẳng gây ấn tượng trong anh là bao nhiêu. Xin đừng vội bảo anh trịch thượng. Có lẽ đã quen nhìn những kiến trúc mỹ thuật và đồ sộ ở Au Mỹ rồi nên Tâm thấy sự xây dựng ở đây cũng chỉ bình thường, và nhất là những điều mà người tài xế đang muốn anh chú ý lại không phải những cái anh đang tìm.
Từ đường Trần Hưng Đạo, Tâm quẹo qua đường Trịnh Minh Thế, đi khỏi sân vận động, đến bến xe cũ. Một thế giới khác hẳn. Khác với phố xá ngoài kia. Ở đây người ta cũng nhộn nhịp, nhưng nhộn nhịp theo lối bình dân hơn, nghèo hơn. Con đường vẫn với những căn nhà thềm trước lót gạch như xưa của thời Pháp thuộc còn lại. Vẫn nước tràn cống nhà bà Xã Vui, rêu xanh hai bên… Thỉnh thoảng mới có một nhà xây đẹp mắt. Nhưng những nhà xây càng đẹp mắt thì những căn gác nghèo nàn chung quanh trông lại càng tệ hơn.
Đây là nhà của ông Huỳnh Công Hảo sau 54, xéo bên kia là nhà ông Mùi hội đồng tỉnh, ở góc đường là nhà chị Két. Quẹo trái trên đường Nguyễn Huệ gặp nhà của anh chị Phước, trước 75 là hãng càrem nước đá, sau 75 là hợp tác xã đinh Thành Công. Vì thành công nên hãng được nhà nước quãn lý, còn anh Phước được gởi đi học đại học Nông Nghiệp nhiều năm ở Gia-Trung….và đầu đường Bạch Đằng dẫn xuống bờ sông Dakbla kia rồi. Đó là nhà của Thúy. Tâm nhận ra căn nhà ấy bằng những dàn tre để phơi bánh tráng ngổn ngang trước sân.
– Thưa bác, bác khỏe không? Thúy có ở nhà không bác?
Má của Thúy gầy gò, lưng còng hơn xưa nhiều. Bà nhìn Tâm với nhiều bõ ngỡ, nhiều lắm nhưng không dám nói, cuối cùng chỉ ngắn gọn:
– Con Thúy không còn ở đây nữa. Nhà nó dọn xuống bờ sông rồi. Đi tới bờ sông, quẹo trái. Căn nhà thứ hai đó.
Định sẽ trở lại nói chuyện với bà lâu hơn nên Tâm chỉ ngắn gọn mấy câu thăm hỏi. Bà cho anh biết “Anh Hải đi vượt biên lâu rồi không có tin về”. “Chú Thìn chết sau mây năm đi tù cải tạo về”. “Dược Sĩ Tân lúc rày làm ăn khá lắm”. “Bác ở đây với mấy đứa con của chị Tư…” Bà cứ kể dù chỉ biết người đang nói chuyện với bà như rất quen thôi.
Tâm đi tiếp xuống phía bờ sông.
Một bé gái khoảng 9,10 tuổi đang cố gắng bỏ lại cái ‘giây sên’ vào chiếc xe đạp ở trước cửa nhà. Chiếc xe đạp mini chỉ còn chút mầu xanh lá cây trên cái khung. Không chuông, không đèn, không thắng, không gác ba-ga… “Trời ơi! Chiếc xe đạp hiệu Đài Loan của tôi. Ai bảo không tốt. Tôi đã giao nó cho Thúy trước khi rời khỏi Kontum tìm đường vượt biên để lỡ bị bắt thì trở về cũng có phương tiện đi chích thuốc dạo. Tôi nhớ lại that nhanh.
– Con ơi, cho bác hỏi thăm chút. Má con có nhà không?
– Má con đi bán sắp về tới.
– Còn ba con?
– Ba con chết rồi.
Tâm đến gần em bé hơn:
– Con tên gì vậy? Để bác giúp con sửa xe nhá. Xe này con chạy đi chơi hả?
Con bé chưa biết người lạ là ai, nhưng cứ tiếp tục câu chuyện.
– Con tên Thu -Tâm. Con chạy xe này đi học, đi chơi, và đi giao bún cho má nữa.
Tâm tò mò:
– Thu -Tâm ơi, giao bún là sao hả con?
– Má con bán bún cá, con bưng bún cho người ta bằng xe này. Một tay bưng bún, một tay con lái. Để con đi kêu má về nhà có khách.
“Trời ơi! Chiếc xe đạp của tôi. Thân thương, hữu dụng, và trung thành quá. Ở Mỹ chiếc xe này chắc chẳng ai chạy. Cũng chẳng giữ trong nhà nữa, nhưng ở đây nó lại là một phương tiện giao hàng tốt và là một đứa bạn thân của tuổi thơ kia”. Tâm nhìn theo con bé phóng lên xe đạp, chạy đi kêu má, hớn hở chẳng để ý tới bụi đường trên không hay sỏi đá dưới chân.
Thúy về. Nhỏ nhắn hay đúng hơn là hom hem với hai cái nồi to hai bên người, nhìn Tâm ái ngại. Tâm nhìn cái đòn gánh cũ trên vai Thúy mà xót xa: “khác quá Thúy ơi”. Thúy không khóc, nhưng nước mắt bắt đầu chảy. Vui? Buồn? Có lẽ cả hai.
– Anh về chơi?
– Anh về thăm ba và các em của anh. Ba anh bệnh nặng, trăm tuổi rồi còn gì. Nay ra thăm em và xin lại chiếc xe đạp kia.
Nhìn Thúy, Tâm ngỡ ngàng và xúc động lắm, nhưng cố làm vui bầu không khí. Bé Thu -Tâm không hiểu gì, cặp xe đạp đứng bên má. Thúy lau nước mắt, rồi thành thật nói:
– Anh lấy lại đi. Mời anh vào nhà.
Nhìn căn nhà nhỏ, hay đúng hơn là cái chòi lá khá to, dựng cặp bên bờ sông với những cây tre bằng cổ tay dùng làm đà chống đã bị nước xoi mòn. Tâm ngần ngại quá. Dưới sông, nước mưa lũ cuối mùa đục lừ đang lúc chảy xiết. Tâm định bước vào nhà, nhưng lại thôi. Thấy Tâm chần chừ, Thúy gịuc:
– Không sao đâu anh. Tháng trước dượng Tín đã cho em cây cột này để ràng một bên nóc nhà, còn phía bên kia bà con đã giúp kéo lên cái cột đèn đường trôi dưới sông rồi đó. Anh thấy không.
Tâm im lặng, cúi đầu bước vào nhà và nghĩ giá mình đang làm một thiên phóng sự ‘Lũ Lụt Tỉnh Kontum’ thì hay hơn. Những đứa bé hàng xóm, nghe con Thu -Tâm cho tin có Việt Kiều đến thăm, đã đứng đầy trước cửa ngó vào. (Chúng đứng ngoài vì biết rằng nếu cả đám bước vào căn nhà nhỏ của Thu Tâm thì nhà nó sẽ sập ngay).
Nhìn đám trẻ ngoài cửa, Tâm bối rối quá. Bỏ về thì không được mà ở lại đây lâu thì cũng thấy kỳ, anh bàn với Thúy một phương kế nhẹ nhàng. Thúy nghe và làm ngay:
– Nghe nè, bây giờ Út cho mỗi đứa mấy cục kẹo rồi đi chơi, kẹo của thầy… à, của bác này ở Mỹ về đó. Tụi con ngoan rồi chút xíu Ut cho nữa.
Tâm định không lộ mặt ra, nhưng mới bước vào nhà anh đã vấp phải cái lu nước, ống chân đau tê nên anh phải quay trở ra.
Đám trẻ ngoan thật. Lấy kẹo rồi bảo nhau rút lui. Bé Thu Tâm cũng bỏ đi theo bọn chúng.
Thúy kể tiếp chuyện nhà:
– Mẫu- Đơn năm nay 16. Hôm nay nó đi làm mướn cho người ta. Thằng con trai thứ hai đi học chưa về. Bé Thu -Tâm đi học buổi chiều. Ba tụi nó bị đau tim và mất lúc em sanh Thu Tâm được mấy tháng…
– Thế là bốn mẹ con ở trong nhà này.
– Em với con Thu -Tâm ngủ giường này. Con Mẫu Đơn ngủ trên sàn. Còn thằng Cảnh thì ở trên gác kia.
Thúy chỉ vào cái gác bên kia vách lá phơi áo quần. Tâm vẫn không thấy cái gác đâu, chỉ thấy cái giường nhỏ với cái màn xõa một nửa. “Nhà đã không vững mà lại còn gác…” Tâm đang nghĩ ngợi thì Thúy lên tiếng hỏi:
– Anh thấy sao?
– Thấy em thay đổi nhiều quá. Nhiều hơn anh tưởng.
Chắc Thúy hiểu được chử “thay đổi” của Tâm nên thở dài:
– Nghèo khổ quá phải không anh?
– Ừ, em nghèo thật Thúy ạ. Nghèo hơn anh tưởng.
Cúi đầu thở dài. Thúy hỏi:
– Anh định lấy lại chiệc xe đạp thật sao?
– Anh định vậy, nhưng đâu có tiền mà chuộc.
Thúy tưởng Tâm nói thật:
– Anh mà không có tiền. Mà anh đâu cần chuộc. Cứ lấy đi.
Tâm muốn nói đến tiền Việt Nam mà anh quên không mang theo để trả tiền mướn xe, nhưng Thúy không hiểu.
– Nhưng thôi, anh có món này để trade in, oh!
không, để trao đổi. Thúy chịu không?
Thúy lại trào nước mắt khi Tâm lấy trong túi ra xâu chuỗi mân côi mầu nâu bóng loáng. Xâu chuỗi mà Thúy đã cho Tâm ngày anh nhập ngũ.
Xâu chuỗi vẫn đẹp như xưa. Mẫu ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà Thúy cài thêm vào xâu chuỗi vẫn còn đó.
– Anh vẫn còn giử đến hôm nay?
– Kỷ niệm mà. Hơn nữa xâu chuổi đã gìn giử anh nhiều năm qua. Tránh khỏi đạn pháo kích trong thời gian phục vụ tại Bệnh Viện 2 Dã Chiến, bình yên trong cuộc di tản từ Kontum về Tuy Hòa. Trong suốt thời gian Tập Trung Lao Động Khổ Sai. Trên đường vượt biển, tên cướp Thái Lan dí súng vào đầu, nhưng nhìn thấy xâu chuỗi lại thôi. Anh giử để lần chuỗi hằng ngày, Đức Mẹ đã phù hộ cho anh tai qua nạn khỏi, nay anh trả lại cho em, châu về hiệp phố. Anh không ngờ chiếc xe đạp của anh vẫn còn. Đẹp thật.
– Xe hay kỷ niệm?
– Cả hai.
– Anh biết không? Kỷ niệm mà. Em giử nó và cã nhà dùng nó hằng ngày. Anh lấy lại đi.
Nói rồi Thúy cười nhẹ. Bây giờ mới cười, (có lẽ do kỷ niệm) Tâm hỏi:
– Thôi việc đó tính sau. Bây giờ cho anh hỏi cái này nếu em không ngại nhé. Nếu sửa lại căn nhà này cho chắc chắn và ở được thì tốn bao nhiêu?
– Người ta nói chỉ cần vài triệu là được rồi. Đó là có cả cột gổ làm đà nữa.
– Hôm nay em bán được bao nhiêu tiền?
– Trên ba chục ngàn.
– Cho anh mượn số tiền này đi. Trước khi về Mỹ anh trả lại cho.
Thúy lấy tiền ra, sắp xếp lại, rồi trao cho Tâm. Tâm nhớ lại những ngày xưa Thúy hay cho anh ‘mượn tiền’ những lúc anh cần. Hôm nay anh lại cũng mượn tiền Thúy để trả tiền xe vì không muốn trả bằng tiền đô.
Bọn trẻ ăn hết kẹo lại kéo về trước cửa.
– Cô Út cho tiền ông Việt Kiều tụi bay ơi.
– Xì, không phải đâu, ông Việt Kiều cho.
– Trời, tiền Việt Nam rõ ràng mà.
Trên đường về Tâm vô tình đến trước cửa nhà củ.
Nhớ thương nắng vẫn còn ngọt ngào
Mà sao mây hững hờ trôi nhanh
Cho gió thở dài sầu ngẩn ngơ.
……………..
– Còn chiếc xe đạp thì em cứ giử lấy. Và xâu chuỗi thì anh sẽ đưa về cho em lần sau.
– Anh…anh…anh ăn tô bún trước khi đi được không?
– Thúy ơi, lần sau anh sẽ ăn.
Lên xe rồi, người tài xế liếc sang Tâm hỏi nhỏ:
– Người tình cũ của anh hở?
– Không, bạn thôi.
Cơn gió cuối Thu hơi lành lạnh thổi bụi bay một khoảng phố. Xe quay kính lên rồi rồ ga, bỏ lại con đường Trần Hưng Đạo và khu chợ sau lưng
Nắng nghiêng soi bóng nhỏ dường dài
Mình ta ôm kỷ niệm ngày xưa
Đêm xuống, phố phường dần mờ phai.
Tâm yên lặng… nghĩ đến chiếc xe đạp…”kỷ niệm mà. Em và cả nhà vẫn dùng chiếc xe đạp này hằng ngày”. Rồi nghĩ đến xâu chuỗi mà anh vẫn giử trong người, cũng kỷ niệm, tay vô tình đút vô túi quần, mâng mê xâu chuỗi.
“Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.”
Cũng trong buổi chiều hôm đó bản nhạc Nắng Xưa đã ra đời để kỷ niệm một lần về thăm lại thành phố cao nguyên thân thương này.
Mây Ngàn