VĂN

Chớ Nên Ép Buộc Con Phải Theo Ý Mình – Châu Hà

Chớ Nên Ép Buộc Con Phải Theo Ý Mình

Châu Hà

Có nhiều em bé mới sáu, bẩy tuổi mà đã ĐƯỢC hoặc là đã BỊ cha mẹ cho đi học kèm thêm hết toán, văn tới âm nhạc, thậm chí cả võ thuật hay bơi lội nữa.

Đó là chưa kể tới một số em thuộc loại “thần đồng” – Vì sớm tỏ ra có “năng khiếu” đặc biệt , trổi vượt hơn bạn bè nên thường được quý thầy cô và phụ huynh “chăm sóc đặc biệt”, chiếu cố tận tình…nên phải học hành quá sức cực nhọc.

Thực tế cho thấy ngoài một vài nổi bật của các em thật sự có tài năng , triển vọng lớn lao ; thì có rất nhiều thiếu niên nhi đồng đã bị người lớn xô đẩy vào một nhịp sống “tất bật”, “quay cuồng” cả ngày , nên không mấy khi các em được hưởng những niềm vui hồn nhiên của thời thơ ấu .

Nguyên nhân bởi vì đâu? Có những bậc phụ huynh chỉ vì quá lo lắng cho tương lai nên muốn bắt con em mình phải dành thật nhiều thời gian cho việc học hành. Đôi khi có những người quá bận rộn về công ăn việc làm , tưởng rằng muốn cho trẻ thơ khỏi bị lôi cuốn vào các trò chơi có hại thì tốt nhất là cho chúng đi học thêm và sinh hoạt ngoại khóa suốt ngày .

Nguyên do nào cũng có thể chấp nhận được, miễn là các sinh hoạt được tổ chức sao cho phù hợp với tuổi tác, thể trạng, khả năng và sở thích thật sự, chính đáng của từng lứa tuổi các em.

ĐỐI VỚI NHI ĐỒNG CHƯA ĐẾN TUỔI ĐI HỌC :

Hãy để cho các em được phát triển tự nhiên. Các em chưa hề có nhu cầu phải “học thêm” hay “học trước” khi đến trường. Với lứa tuổi này (3- 5 tuổi) thật ra mỗi ngày, mỗi giờ….các em đều có cơ hội để vui chơi, để học hỏi với các anh chị, bè bạn cùng trang lứa trong các môi trường sinh hoạt của gia đình hay nơi giữ trẻ.

ĐỐI VỚI HỌC SINH CẤP TIỂU HỌC :

Các bậc phụ huynh chỉ nên theo sở thích của từng em mà cho tham gia nhiều nhất là 3 trong các dạng sinh hoạt ngoại khóa (1 có tính cách xã hội, 1 có tính cách thể thao, 1 có tính cách văn nghệ)

Đừng bao giờ thôi thúc các em phải học hành, tranh đua quá sức.

ĐỐI VỚI THIẾU NIÊN HỌC SINH CẤP PHỔ THÔNG :

Ở lứa tuổi này, các em có rất nhiều cơ hội để chọn lựa tùy theo ý thích của mình như: Tham gia các đội thể dục thể thao, các đội trình diễn văn nghệ hay sinh hoạt cộng đồng, tham gia các nhóm thực tập về khoa học, toán học, điện toán…v.v

ĐỐI VỚI SINH VIÊN CẤP ĐẠI HỌC:

Các em đã có định hướng và sở thích rõ rệt, quý vị phụ huynh không cần và cũng không nên can thiệp quá sớm. Tuy nhiên, quý vị phụ huynh cũng không thể buông thả hay chiều chuộng quá nhiều để tránh nguy cơ con em bị lôi cuốn vào các trò chơi hay những thú vui tai hại.

Vấn đề quan trọng là chúng ta phải biết thu xếp cho các em cân đối thời gian học tập , sinh hoạt và nghỉ ngơi (nhất là ăn và ngủ).

Chính thời gian nghỉ ngơi hợp lý sẽ tạo điều kiện tốt nhất để phát triển khả năng và tài trí của các em.

Khi dạy con về chuyện quan trọng của sự học, không ít phụ huynh đã đưa ra những mục đích quá cao xa như:

* Trở thành người có ích cho xã hội.

* Có nghề nghiệp xứng đáng.

Đối với trẻ em là lứa tuổi hay ăn hay chơi thì chúng rất mau quên các mục đích trừu tượng và xa vời này. Vì vậy , chúng ta nên xác định cho con những mức gần nhất để tiến lên. Ví dụ : Năm nay con học lớp ba , con hãy cố gắng đạt điểm khá và giỏi để khỏi ở lại lớp là đủ rồi .

Nếu quý vị phụ huynh biết khen thưởng con em mình một món đồ chơi hay một cuộc đi chơi cuối tuần thì quá tốt.

Nhớ ngày xưa , khi còn là đứa bé con….không có gì đau khổ cho bằng đang vui chơi với các bạn cùng xóm , bị bố gọi về đét vào mông rồi bắt ngồi vào bàn với một cuốn sách toán hay tập làm văn. Lúc đó , với hai hàng nước mắt rơi lã chã , tôi cảm thấy sự học là một điều gì rất đáng ghê sợ !

Còn gần nhà tôi có gia đình ông Giáo rất là nghiêm khắc , thằng cu Lớn tối nào cũng bị ông dùng roi mây để lùa vào bàn học. Học thì học vậy nhưng cu Lớn chẳng thấy có gì tiến bộ , đến lúc chịu hết nổi những trận đòn roi của bố , cu Lớn đã bỏ nhà đi hoang !

Sự học là công việc rất nhạy cảm , không nên gò ép con theo ý mình . Vì thế mọi sự cưỡng bức đều rất ít khi dẫn đến thành công. Chỉ có bản thân mình mới có thể bắt mình tự ngồi vào bàn học. Muốn thế , phải cần dạy cho con hiểu được mục đích của việc học , phải có sự thi đua và dần dần trẻ sẽ cảm thấy thích thú say mê học tập. Chúng sẽ rất sung sướng và tự hào khi giải ra một bài toán khó , hay tìm được ý hay cho một bài luận văn nào đó.

Khi đứa trẻ đã thích ngồi vào bàn học rồi thì bạn nên đề nghị con tự lập ra thời khóa biểu học ở nhà. Qua đó , bạn có thể giúp con điều chỉnh việc học của con qua thời khóa biểu. Chắc chắn bạn sẽ ít mất thời gian hơn để giúp con học tập mà con bạn lại đạt kết quả cao hơn nữa.

Để rèn cho trẻ tinh thần ham thích học , trước hết người lớn cần giải thích thế nào là tự học ? Đó là cách chủ động tìm tòi , biết vận dụng những cái đã học vào cuộc sống, biết tìm ra cái hay của người khác để tìm ra cái hay cho mình.

Sau đó, cha mẹ cần nói cho con những nguyên nhân , hoài bão trong học tập . Xác định học vì cái gì và cho ai ? Điều này lý giải việc rất nhiều trẻ em sinh trưởng trong gia đình nghèo khó, hoàn cảnh khó khăn … nhưng lại học rất giỏi và vươn cao .. Ngược lại khá nhiều những em gia đình có đầy đủ về vật chất, cha mẹ là người đứng ra lo liệu cho tất cả song vẫn không ham học.

Một điều quan trọng nữa là cha mẹ nên tạo điều kiện, khơi dậy tinh thần tìm tòi sáng tạo của con em , đừng quá tạo tâm lý cái gì cũng có sẵn .

Nếu có thời gian rảnh rỗi , cha mẹ nên xem qua chương trình và những gì con đã học ; sau đó nghiền ngẫm những câu đố. Mỗi khi về nhà , cha mẹ có thể ra đề , kèm theo một sự khen thưởng , hay khuyến khích nào đó. Nếu con làm không ra , lần khác có thể giải đáp. Cách đố vui đó là hình thức học tập rất hay.

Trong phương pháp sư phạm , người ta còn đưa ra bài giải bằng một hệ thống câu hỏi gợi mở. Để cho con giải được bài , cha mẹ chỉ việc đặt từng câu hỏi gợi mở khi đang ngồi hoặc nằm trên giường xem báo mà không quá ép buộc con. Dạy con học làm sao để đứa bé thấy được rằng cha mẹ là bạn, là thầy thì tốt nhất.

Mẹ và con cùng học.

Ở mỗi giai đoạn phát triển, trẻ em có một vốn từ khác nhau tùy thuộc vào việc dạy dỗ của cha mẹ và vào độ tuổi. Bạn nên tìm hiểu tâm lý và chú ý những giai đoạn sau.

Giai đoạn 2-3 tuổi: Mở rộng vốn từ cho trẻ.

Ở lứa tuổi này, trẻ luôn muốn được người khác nghe chúng nói. Trẻ thường kể lại những gì đã nhìn thấy, đã làm và ước muốn. Nhưng do vốn từ không nhiều nên trẻ thường dùng những từ khó hiểu, diễn đạt sai mục đích. Lúc này, cha mẹ nên đưa ra một số cách nói đơn giản như: “Có phải con muốn nói rằng…” để trẻ có thể trả lời ngay bằng cách nói “đúng” hoặc “không”. Sau đó, bạn hãy diễn đạt lại câu nói của trẻ bằng một câu đúng, ngắn gọn, đơn giản và dễ hiểu.

Bạn không nên trả lời trẻ một cách thờ ơ bởi sẽ làm gián đoạn cuộc trò chuyện, ngăn cản trẻ tìm từ phù hợp và học cách phát âm chuẩn. Cha mẹ cần lắng nghe và giúp trẻ tự sửa lỗi của mình.

Giai đoạn 4-5 tuổi: Hãy giúp trẻ trả lời những câu hỏi.

Để cố gắng hiểu được thế giới xung quanh, trẻ không ngừng đặt câu hỏi. Lúc này, cha mẹ nên trả lời một cách cặn kẽ, dùng từ đơn giản để chúng có thể hiểu được những gì bạn nói. Không nên ngăn cản trẻ nói khi câu hỏi của chúng làm bạn thấy khó chịu. Bạn cũng đừng trả lời một cách chung chung các câu hỏi của trẻ vì nó sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Khi gặp những câu hỏi khó, bạn hãy nói rằng điều đó thật phức tạp mà trẻ còn quá bé để hiểu, hoặc bạn đang mệt và hứa sẽ trả lời sau.

Giai đoạn trẻ 6-7 tuổi: Giúp trẻ khả năng suy nghĩ, phân tích.

Ở độ tuổi này, trẻ đã biết suy nghĩ và phân tích. Chúng chú ý đến mọi thứ chung quanh mình và không chịu bằng lòng với những gì đã có. Cha mẹ là cuốn bách khoa và trẻ luôn hy vọng nhận được những lời giải thích thuyết phục khi nó không hiểu việc gì đó. Trong mọi trường hợp, bạn phải lựa chọn ngôn ngữ sao cho phù hợp với tầm hiểu biết của trẻ. Không nên cố tìm câu trả lời khi bạn không hiểu vấn đề. Tốt hơn là nên thú nhận với con: “Bố mẹ không hiểu vấn đề này lắm”. Sau đó, bạn nên tìm mua cho trẻ cuốn sách nói về đề tài này, khuyến khích chúng đọc và cùng trao đổi với mình.

CHÂU HÀ