VĂN

Giới Thiệu Tuyển Tập Truyện Ngắn của Lê Văn Hưởng

Kính thưa quý vị quan khách ,
Kính thưa quý văn thi hữu xa gần,
Kính thưa nhà văn LÊ VĂN HƯỞNG:

   Thật là một vinh hạnh cho tôi được góp tiếng trong buổi ra mắt sách hôm nay của nhà văn Lê Văn Hưởng.

   Sau khi đọc xong tác phẩm gồm có 15 câu chuyện ngắn, có những câu chuyện làm cho tôi rơi nước mắt. Nhưng khi đọc lại lần thứ nhì thì theo tôi nghĩ đây không phải là chuyện thông thường, mà có thể nói tác giả tạm dùng những câu chuyện có thật để gởi gắm những quan niệm riêng, những triết lý sống. Người xưa gọi là Ý Tại Ngôn Ngoại .

   Như quý vị cũng biết khi nói về triết lý thì nó khô khan, người đọc sẽ dễ chán, khó nhớ. Cho nên tác giả đã dùng những câu chuyện có thật đó để thuyết minh cho những lý luận, những nhân sinh quan, những trắc ẩn của mình và nỗi đau của thế nhân. Nhưng tác giả LVH viết hay quá làm người đọc thấy cảm động về nội dung câu chuyện rồi nhớ luôn những thông điệp của tác giả gởi gắm trong đó mà không biết. Ví dụ ông bà ta muốn dạy con cháu phải xem trọng tình nghĩa bạn bè nên đã viết nên câu chuyện LƯU BÌNH – DƯƠNG LỄ. Nghe kể câu chuyện tình thân sâu đậm bạn bè thương quý nhau chí tình làm ta muốn khóc, rồi trong tận đáy tâm hồn ta tự nhắc nhở mình hãy sống chí tình chí nghĩa như LBDL.

   Tương tự câu chuyện BAO THANH THIÊN, một nhân vật công bằng, thông minh và bác ái…nổi tiếng của Trung Hoa đã làm cho bao thế hệ người Tàu và người VN say mê. Nhưng tôi mới hỏi một anh bạn người Hoa là chuyện đó có thật không? Anh bạn tôi nói chuyện đó không có thật mà chỉ là chuyện tưởng tượng đặt ra để răng dạy đời mà thôi.

   Nhưng thưa quý vị, nhà văn Lê Văn Hưởng của chúng ta ông hay hơn những nhà văn viết về BAO CÔNG ở chỗ ông đã khổ công lựa những câu chuyện có thật như câu chuyện NGƯỜI HÙNG NGHĨA QUÂN, Chuẩn Tướng PHẠM NGỌC SANG … là những nhân vật có thật, là những con người đạo nghĩa thật, làm cho ta cảm động hơn mà không nghĩ rằng tác giả đang muốn nói về Triết lý sống và thông điệp về tình người. Làm cho người đọc nhớ tự nhiên mà không hay biết.

  Ngoài ra tác giả LÊ VĂN HƯỞNG còn dùng phương pháp viết thật đó, để chống lại cách viết dối trá của CS, họ viết những nhân vật để tuyên truyền không có thật.

   Ví dụ CS nêu cao hình tượng anh hùng LÊ VĂN TÁM, họ còn đem cả LVTÁM vào giáo dục, dạy bao nhiêu chục năm qua. Mãi cho đến khi tác giả câu chuyện đó, trước khi chết ông đã xám hối về sự dối trá dơ bẩn của mình rồi tiết lộ nhân vật LÊ VĂN TÁM trong chuyện của Ông là không có thật.

    Cho nên khi đọc tuyển tập nầy ta thấy tác giả ghi rõ tên, nơi chốn, hình ảnh nhân vật. Nguyên điều đó chứng tỏ nhân cách nghiêm túc của Ông đã ngược lại với sự giả trá bịp bợm của những nhà văn CS mất tư cách. Sự chân thật là Đạo Nghĩa, là một chân lý tuyệt vời mãi mãi thuyết phục người đọc. Đó là một đặc điểm của tác giả.

   VĂN DĨ TẠI ĐẠO là dùng Văn Chương để chuyển tải đạo nghĩa, có người viết dạy đời quá lộ liễu nên kém phần hấp dẫn. Riêng Ông viết quá khéo, văn nhẹ nhàng, mượt mà, sâu sắc đến nỗi khó nhận ra Đâu là Văn, Đâu là Triết Lý, làm cho người đọc thích cả hai.

   Có phải chăng vì Văn của Ông sâu sắc cùng nhân cách tình cảm của tác giả thật đẹp mà giới Văn Nghệ Sĩ khắp nơi yêu mến Ông. Người xưa nói đó là DĨ VĂN HỘI HỮU.

    Một điều rất lý thú là Ông đã quật ngã chủ thuyết CS bằng một tư tưởng mới là :

   CS chia xã hội làm hai giai cấp gọi là giai cấp Bóc Lột và giai cấp Bị Bóc Lột. Lý thuyết nầy sai lầm nên đã tạo ra cuộc tàn sát dã man tạo thành một vết nhơ của Dân Tộc là cuộc Cải Cách Ruộng Đất. Trước kia CS đứng trong giai cấp bị bóc lột nay họ là kẻ bóc lột tàn bạo vì họ là kẻ tham lam độc ác dốt nát, si mê…

    Nhà văn Lê Văn Hưởng viết lại một xã hội cũng có hai giai cấp: giai cấp của kẻ ngu si độc ác tráo trở tham lam vô đạo đức là những người CS. Và giai cấp đạo nghĩa yêu thương trí tuệ của người miền Nam VN tự do biết tri ân, biết hướng thiện. Lý thuyết CS sụp đổ vì sai lầm, lý thuyết của Lê Văn Hưởng đúng vì nó còn tồn tại qua thời gian. Ông đã thuyết minh tư tưởng cao khiết của Dân Tộc: PHÚ QUÍ BẤT NAN DÂM, BẦN TIỆN BẤT NĂNG DI, UY VŨ BẤT NĂNG KHUẤT. Đói cho sạch, rách cho thơm, giàu sang không đắm đuối, tù tội không đổi lòng.

   TIẾN VI QUAN THỐI VI SƯ: tác giả đã trực tiếp bằng cuộc đời của mình để thể hiện triết lý cao khiết đó của Kẻ Sĩ tiến ra làm quan giúp đời và khi thối lui thì ngồi viết văn vui với đời và dùng ý đó giảng về đạo nghĩa cho nhân gian nghe mà tránh xa những kẻ ác, phá hoại đất nước là CS.

    Theo tôi qua tác phẩm Tuyển Tập Truyện Ngắn, ta thấy những thông điệp mà Nhà Văn Lê Văn Hưởng muốn nhắn gởi đến người đọc hôm nay và mai sau là hãy tránh xa chủ nghĩa CS tàn bạo vô nhân và vô luân. Mà hãy yêu thương nhau sống cuộc sống vì Dân Tộc khai mở con đường mới tiến tới hạnh phúc. Mỗi người hãy là một anh hùng chiến thắng cái thói hư tật xấu là lòng ích kỹ hẹp hòi gian dối.

    Sau khi đọc xong tác phẩm, tôi tự hỏi Ông Lê Văn Hưởng là một Triết Gia hay là một NHÀ VĂN?. Vì Văn của Ông thật trong sáng, dễ cảm, lôi cuốn tinh vi ví dỏm như vậy. Ông đúng là một nhà Văn rồi. Còn Triết Lý của tác giả cũng rất sâu sắc, thăng trầm, có lý luận chặt chẽ. Cuối cùng theo tôi thấy đây là một nhà văn triết gia. Đúng ra muốn biết ông là một nhà văn hay một triết gia xin mời quý vị hãy đọc tác phẩm của Ông và tiếp xúc thẳng với tác giả thì mới rõ.

   Xin kính chào và cám ơn quí vị đã lắng nghe.

VŨ QUANG MINH

ORLANDO, 13 – 2 – 2011