VĂN

Xuyến Chỉ Luyến Thiền Thi

Xuyến Chỉ luyến Thiền Thi
“Phù hoa, phù thế, phù sinh
Phù vân muôn thuở, phù danh muôn đời.”

Mỗi giây phút bình an trong cuộc đời là một nụ hoa tuyệt sắc do cơ duyên thiên định quý mến trân trọng trao tặng.  Mỗi tình bạn tốt đẹp là một cành hoa đặc biệt trên cây đại thụ trường sinh đưa đến ngõ đời độc đáo tràn đầy những sự kiện khác lạ khó đoán trước.  Trên vạn nẻo đường đời biền biệt mịt mù, lối nhỏ tình tự có thể nhẹ nhàng rẽ bước vào vườn thơ say tràn đầy muôn cánh thi hoa rực rỡ.

“Người từ một rặng thiên sơn
Thương hoa về ngự giữa vườn thơ say”
(Như giấc chiêm bao)

Những nụ hoa hồng khoe sắc dịu dàng nghiêng nhẹ trước làn gió thoảng như vẫy tay chào đón thi khách về lại với vũ trụ đam mê “biển nhớ rừng thương” của tình yêu đôi lứa ngày nào đó với mơ uớc lạ lùng khó tả của con tim.

“Em về chắc gặp mưa mau
Giữ đừng ướt tóc mà đau sợi hồng
Ướt rồi lấy nhớ mà hong
Lấy thơ mà chải tình   nồng bay cao”

(Xin mưa hãy ngừng rơi)

“Bỗng dưng mình ao ước
Em là người tình sầu
Trong tim ta nhật nguyệt
Bây giờ và mai sau …
Bỗng dưng mình ao ước
Tình yêu em trong thơ
Con chữ đầy trên giấy
Chỉ thơ và chỉ thơ
Hồn thơ ta lãng mạn
Chữ yêu là hư vô
Chữ đời là hư ảo
Vẫn thích tình vu vơ”
(Người tình trong thơ)

Dáng hồng ẩn hiện đó đây phảng phất hoa hương lưu luyến nồng nàn trong giấc mộng tình yêu ngày nào đó đã nhẹ nhàng viếng thăm: “Tình lên hồng ngọc ươm đầy, Lối kia Dạ Lý đường này Phù Dung” (Nhân sinh).

Chỉ là một thoáng hương bay
Người vơi biển nhớ ta đầy rừng thương”

(Một thoáng hương bay)

“Em đã cho ta tình lụa là
Nửa đời khuê các nửa kiêu sa
Mắt em sao nở chiều xuân muộn
Để nhớ trong thơ nhớ chẳng nhòa”

(Tạ tình)

“Người cho ta chút hoa hương
Là thôi cũng đủ trên đường phù du
Võ vàng đôi chút tình thơ
Ta vu vơ gọi người chờ nắng đôi”

(Vẫn là một thoáng hương bay)

Cảm ơn ngưòi tình đã gửi gấm làn hơi ấm nhè nhẹ dành riêng cho chỉ một mình ai đó ban đầu xa lạ nhưng sau đó quấn quyến hòa quyện tình cảm thân thương quyến rũ nhất trên cõi đời.

“Em về thả gió vào mây
Thả hương vào tóc thả ngày vào đêm
Thả tình vào chốn bình yên
Thả tâm vào khắp mọi miền nở hoa”

(Nẻo hồng)

“Ta gởi về em dăm cụm trắng
Những vần thơ ấm những đam mê
Mai đây tất cả tìm trong nhớ
Đã chắc cho nhau được chút gì”

(Mùa Xuân và em)

Tình yêu là vĩnh viễn nhưng cuộc đời thật ngắn ngũi dường như không bao giờ đủ ngày giờ năm tháng cho những người biết yêu và đã yêu.   Thời gian gần gũi quý báu chợt đến, lưu luyến giữ chân rồi cũng chợt đi khiến tình nhân luôn luôn cảm thấy thiếu thốn trống vắng trong không gian xa cách.  Biệt ly phải đến dẫu không muốn, không dám chấp nhận hay cố gắng xua đuổi một cách tuyệt vọng nhưng rồi cuối cùng cũng không thể từ khước.

“Hôm qua người vẫn còn đây
Hôm nay thành cát bụi bay về trời
Thoáng thôi hết một kiếp người
Màu da nào cũng ngậm ngùi thương đau.”
(Thoáng thôi)

“Tóc em chớm hạt sương mù
Mười năm lá úa dựng mùa mưa non
Vàng phơi ngày hết đêm còn
Rải bâng khuâng xuống điệu buồn bâng khuâng”
(Bụi hạt cát thơ)

Đau buồn bịn rịn trong tâm tư có lúc là phản ứng tâm lý của bối cảnh biệt ly nhưng đôi khi lại là sự phản chiếu của cảm xúc mãnh liệt tỏa sáng từ điểm cao tuyệt đỉnh của tình yêu chân thật.  Tình mãi mãi ray rức, nghĩa luôn luôn đợi chờ.

“Còn đây là những Dấu Yêu
Nghe như hơi thở giữa chiều mênh mang
Đầy trời hai chữ tụ tan
Cây nhân sinh nở muôn vàn nụ thơm”
(Dấu Yêu)

“Sầu đi vương sợi tơ tằm
Sầu về lá xác xơ nằm hư vô
Mai về gom lại ưu tư
Ngổn ngang trong giấc mộng từ cõi hoa”

(Mây khói)

 

“Em về với Chúa Nhân Từ
Ta về với Phật Chân Như cõi lòng …
Và em từ tốn căn nguyên
Tóc tơ mấy thuở ngoan hiền tóc tơ
Đóa vô ưu vạn chăng chờ
Chút hương phấn cũ hồn thơ bây giờ”

(Cõi thơ ta ở một đời)

Trên vai mỗi hoài nhân trôi nỗi theo làn sóng lưu vong bập bùng là bầu trời kỷ niệm cất giữ hàng vạn khoảnh khắc quá khứ được điêu tạc sâu thẳm trong tâm khảm cá nhân.  Rảo bước trên vạn ngõ đường đời ai mà không lưu luyến kho tàng ký ức xa xưa.

“Núi cũ sông xưa đường mấy ngã
Gió buồn gọi gió xuống lưng mây
Tháng năm như đã hồn phiêu dạt
Hiu hắt chiều xanh nỗi nhớ đầy
Đời có gì đâu danh với lợi
Tôi buồn tôi một kẻ lưu vong
Áo cơm năm tháng sầu tê tái
Vẫn với quê hương một tấm lòng”

(Quê hương còn đó)

“Núi sông còn lắm điêu tàn
Tâm còn buộc cả trăm ngằn sợi đau
Thời gian xa xứ bạc đầu
Sao chưa hết được nỗi sầu lưu vong!”

(Nỗi sầu lưu xứ)

“Xa quê trăm nỗi bùi ngùi
Cũng đau thương lắm biết lời nào hơn
Tôi còn nước nước non non
Mang theo trong cõi mộng còn mơ mai”
(Cánh chim hồng)

Vườn hoa tình yêu níu kéo đến tình nhà, tình nước ở quê hương nào đó xa vời vợi nơi đất ấm ôm ấp nấm mồ của cha, trời áp sưởi ấm lư hương của mẹ với những làn gió thương nhớ thỉnh thoảng ghé lại bất chợt trong tâm khảm buốt giá xót xa của những đứa con lưu lạc khắp bốn phương trời.

“Xa quê còn mãi xa quê
Nén hương lòng trọn gởi về mẹ tôi
Mẹ tôi áo vá một đời
Chân trần một kiếp cõi người phù du.”
(Mẹ tôi)

Giờ muốn về thăm mộ Mẹ tôi
Để nhìn được Mẹ một lần thôi
Cho dù dưới mộ Mẹ nằm đó
Nhưng núi sông ngăn cách biệt rồi
Tôi ở đây mượn nắng mượn mưa
Mượn mùa xuân mới mượn lời thơ
Gửi về quê Mẹ tình yêu nước
Xin hẹn về thăm lúc đổi cờ”
(Tôi)

Bên kia nửa quả địa cầu gởi gấm không chỉ mồ cha mả mẹ, tình nghĩa gia quyến, tình tự dân tộc mà còn cả tinh thần huynh đệ chi binh của một thời anh dũng nào đó gần nửa thế kỷ trước đây.

“Chiều mưa Đông Bắc ôi buồn quá
Nhớ bạn bè xưa đang mất dần
Kẻ khuất người còn nơi xứ lạ
Chôn vùi mộng ước với thời gian”
(Chiều mưa Đông Bắc)

 

“Ai xui bỏ phố lên rừng
Áo tù vội mặc mà lòng quặn đau
Tình người cau mặt nhìn nhau
Cơm tù một thuở đủ sầu trăm năm”
(Mù mưa)

“Mưa từ trại tám trại Ba
Cổng tù Yên Báy vào ra mịt mù
Rồi về Tân Lập thiên thu
Sáng ăn bắp luộc chiều bù sắn khoai
Cảm thông trời đất thở dài
Thân tù ốm yếu vẫn hoài đợi trông
Lại về Thanh Hóa Thanh Phong
Chết lên chết xuống núi rừng thở than
Tôi từ đất hứa miền Nam
Cộng đày ra Bắc trăm ngàn khổ đau
Trả thù nên đọa đày nhau
Tôi sau trước vẫn trước sau cờ vàng
Vẫn son sắt với muôn vàn niềm tin.”
(Mưa tháng Tư)

Dẫu quê hương đang bị tàn phá bởi cơn thảm họa ý thức hệ khủng khiếp, thi nhân vẫn trầm tĩnh hy vọng về một ngày nào đó bình minh sẽ đốt cháy đêm đen trên đất nước, dân tộc sẽ vươn lên rũ bỏ gông cùm nô lệ.

“Tôi là người lính không còn tuổi
Gánh vác được gì chuyện núi sông
Nhưng vẫn còn đây tình chiến hữu
Yêu quê hương chống giặc cờ hồng”
(Người lính không còn tuổi)

“Ta thờ lý tưởng chính danh
Người theo tà thuyết vô thần dã man
Rồi đây tà thuyết cũng tàn
Quê hương trở lại mùa Xuân hoa vàng”

(Không hòa giải)

“Đêm rồi cũng hết đêm rồi hết
Sẽ có bình minh dẫu cuối đường
Rồi hẹn nhau về thăm cố thổ
Nhìn đời óng ánh giọt mưa sương
Hôm nay vẫn bước trên đường lụa
Bước chậm bước mau bước vội vàng
Là bước chân buồn nơi xứ lạ
Mai về quê mẹ bước thênh thang.”

(Thênh thang)

Trên đường đời lưu lạc giữa sự ồn ào náo động của trào sống cuồn cuộn bất diệt, nhờ ân trên hay duyên may hoặc hảo nghiệp mà người viết được lạc bước vào một vườn thi hoa tĩnh lặng.  Ở đây ai cũng có thể từ tốn, thật từ tốn, chầm chậm, thật chầm chậm..

“Hớp chút ân tình thơm đáy cốc
Ly cà phê đắng giọt rơi rơi”

… để trầm tĩnh ngắm nhìn từng khung cảnh đời như những thước phim lạ nhưng thật quen thuộc vút nhanh suốt chặng đường đầy rẫy thăng trầm vừa trải qua…

“Tôi ngủ ổ rơm hồi tuổi nhỏ
Đông về áo mỏng rét căm căm…
Anh chị mỗi người đi mỗi ngã
Vì nghèo nên sớm phải xa nhau”

(Tôi)

“Mất nước nên buồn than với trách
Thương bao đồng đội đã hy sinh
Cùng bao chiến hữu đang còn lại
Với tấm thân tàn thương phế binh”
(Người lính không còn tuổi)

“Nợ đời qua những hư hao
Về trong dĩ vãng tình nào bể dâu
Tâm tư nặng cả vai sầu
Hồn chia nắng ngả tình nhau đậm đà
Trả đời những đóa thơ hoa
Mai sau tiếng hát lời ca rụng vàng”

(Trả đời những đóa hoa thơ)

… để tịnh tâm cảm nhận nhiều khía cạnh đa dạng của cuộc đời từ lúc bắt đầu biết suy nghĩ riêng tư cho đến giây phút bịn rịn chia tay…

“Này bạn ta hình như người thấm mệt
Ôi! anh hùng có lúc cũng sa cơ
Đứng thẳng lên mà bước chớ mơ hồ
Vào trận mạc, có khi thua, lúc thắng”

(Vạt nắng bên đời)

“Đã biết chuyện đời cơm với áo
Thì vinh hay nhục có ra gì
Bao nhiêu rồi cũng phù hư cả
Sau trước rồi ra cũng biệt ly”
(Đêm buồn uống rượu một mình)

 

“Chia ly đâu kể là chia biệt
Những thác ghềnh xưa lại hiện về
Những tháng năm hồng thôi lửa ngọn
Lòng nào còn lại chẳng lưu ly”
(Đời hoan lạc)

… để thưởng thức hương diệu thiền tính thoáng nhè nhẹ từ các cụm hoa thơ đa sắc được thi nhân trân trọng vun đắp chăm sóc.

“Đêm vắng mưa thưa nhạc rót buồn
Từng cơn nhớ thuở liệng mầu son
Tâm thiền một hướng lòng tu tịnh
Quê quán vàng thơ mực héo non”

(Còn chút buồn vui nắng cuối mùa)

“Phù hoa, phù thế, phù sinh
Phù vân muôn thuở, phù danh muôn đời.”

(Thăm com tại Virgina)

“Mai này về cõi hư vô
Là xong một kiếp Trời cho làm người
Còn hôm nay cứ vui cười
Bận chi sinh tử cuộc đời mặc nhiên”
(Cuộc đời)

Trong vườn hoa thiền thi, các cành hoa được chủ nhân cẩn trọng đan kết thành đại thư xuyến chỉ.  Người xưa khi nhắc đến xuyến chỉ thì ai cũng phải khâm phục giá trị của loại ấn chỉ (giấy để in ấn) này với câu “Chỉ trung chi vương, thiên niên thọ chỉ” (Vua của các loại giấy, có tuổi thọ nghìn năm).  Đệ nhất ấn chỉ, tuyệt đỉnh giấy quý, bền lâu, không đổi sắc, không thay màu như triết tâm của các cành hoa thiền thi không thay đổi theo thời gian do đó giấy quý yêu mến thơ thiền (Xuyến Chỉ luyến Thiền Thi).

Chủ nhân của vườn thiền thi không phải là cao tăng hay thiền sư nhưng thiền tâm của thi nhân lấp lánh trong minh ý ẩn hiện giữa các vần thơ đa dạng.

 

Có gì đâu giữa càn khôn
Nghe luân hồi gọi núi buồn thở than
Mai về ở đậu trên ngàn
Ôm thơ mà ngủ cho toàn phận thân”

(Chân tình)

 

“Thơ tôi chuyên chở phù vân
Có hư có thực có trần có tiên
Thơ tôi có tỉnh có điên
Có vui đất thấp chẳng phiền trời cao ..
Thơ tôi có đợi có chờ
Dấu yêu đôi lúc mơ hồ bể dâu”

(Năm mươi năm ngó lại thơ mình)

Vị thi nhân làm chủ vườn thiền thi có xa với người đời nhưng không có lạ với quý văn thi hữu trong Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại.  Thi nhân với dòng thơ đằm thắm thiền tính là nhà thơ Hoa Văn Ngô Văn Hòa, nguyên Trung Tá Tâm Lý Chiến QLVNCH, với nhiều thi phẩm sáng tác trước 1975 như Đường Em Hoa Nở (1964), Thơ Anh Hoa (1965), Thơ Lục Bát (1966) Những Bài Âu Ca (1968) và sau ngày mất nước như Thơ và Thời Gian (2002), Tạ Ơn Đời (2005), Che Đời Mưa Bay (2008), Như Áng Mây Hồng (2010), Vạt Nắng Bên Đời (2012), Cõi Thơ Ta Ở Một Đời (2014).

 

VH Hoa Văn đóng góp và cộng tác với rất nhiều tạp chí, tuyển tập, nguyệt san, báo chí, v.v., từ những năm 1957 cho đến hiện nay mà nếu liệt kê phải cần hơn một trang giấy.  Đầu tháng 10/2015 vừa rồi khi tham dự một sinh hoạt tại Hoa Thịnh Đốn, tôi được PCT VB ĐBHK Hồng Thủy gởi tặng nguyệt san Kỷ Nguyên Mới số 173 của CLB Văn Học & Nghệ Thuật;  đọc kỹ mới thấy thành phần Ban Biên Tập Kỷ Nguyên Mới tại Washigton bao gồm cả VH Hoa Văn từ Boston.  Thật đáng khâm phục sức sáng tác của người bạn văn đàn anh của chúng ta.

Tôi quen VH Hoa Văn qua diễn đàn VBVNHN.  Dẫu chỉ vài hàng qua lại và gởi cho nhau một số bài thơ ngắn mà chúng tôi hình như hiểu ý nhau có lẽ nhờ đồng quan điểm về cách nhìn hài hòa đối với cuộc đời phức tạp.  Vào dịp Hội Ngộ Văn Bút Hè 2015, chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên ở Orlando.  Lần đó tôi lắng nghe chuyện đời của VH Hoa Văn từ thi thơ cho đến cuộc sống ba chìm bảy nổi thật ly kỳ.

Sau Hội Ngộ Hè VB chúng tôi thỉnh thoảng trao đổi qua điện thoại.  Và có lẽ do trời định – vì tôi là người tin vào ân trên – sau khi viết bài thơ Tiễn tri kỷ trên máy bay từ Washington về Toronto trưa 4/10/2015 thì tối hôm đó lúc 7:27pm, trước khi đưa lên diễn đàn để chia sẻ với quý văn thi hữu khắp nơi, tôi lại có dịp đọc cho VH Hoa Văn khi anh gọi điện thoại hàn huyên.

Vườn thơ của VH Hoa Văn được biết bao thi khách thăm viếng và rất nhiều bậc thức giả đã hạ bút đóng góp ý kiến bình luận khá đặc sắc.  Khi nghiền ngẫm thi tập của VH Hoa Văn, cũng như khi thưỡng lãm tác phẩm của tất cả các văn hữu khác, tôi không dám đọc các ý kiến từ trước bởi vì tôi không bao giờ có chủ đích bình thơ (và chưa bao giờ dám bình thơ của bất cứ ai).  Khi cảm thấy đắc tư tâm về tác phẩm của những người bạn mà tôi may mắn gặp và có trao đổi để hiểu được đôi chút về tác giả, tôi muợn chữ nhờ từ để đan kết ý kiến rất riêng tư chứ không bao giờ bình thơ hay bình văn gì cả.  Và vì vậy, tôi không muốn chính mình bị những áng văn bình luận đa dạng từ trước ảnh hưởng đến cảm giác cá nhân khi thưởng lãm tác phẩm để ngắm nghía truy tìm hương sắc với hy vọng có thể khám phá tư ý riêng biệt.

Giây phút lần mò từng trang sách, đam mê cách kén từ, bị quyến rủ bởi lối chọn ngữ, bị lôi cuốn bởi cách xếp ý, bị thu hút bởi các vần thơ đưa đến cảm nhận về ba (3) yếu tố đặc sắc hòa quyện với nhau một cách rất tự nhiên trong dòng thơ Hoa Văn:

  1. Tâm hồn trưởng thành bàn bạc xa gần giúp cho thi khách cảm thấy thanh thản để dễ dàng thả bước dạo thăm vườn thi hoa;
  2. Tấm lòng nhân từ ẩn hiện đó đây tạo cho thi khách cảm giác vị tha bao dung kỳ lạ; và
  3. Ý nghĩa vô thường phảng phất khắp vườn thi hoa nhắc nhở thi khách mến thương thân quyến, bằng hữu và vạn vật.

Nhận định riêng tư kể trên về vườn thơ của VH Hoa Văn có lẽ thô thiển nhưng phản ảnh cảm giác tự nhiên của tâm trạng cá nhân khi nghiền ngẫm từng trang sách để tìm kiếm cốt lõi đặc sắc của làn hương thi hoa ẩn hiện đó đây trong thi tập.

     Xuyến Chỉ luyến Thiền Thi (giấy quý yêu mến thơ thiền). Thi khách vứt bỏ được hành lý vô minh trong ba-lô tư duy trên đường đời biền biệt chắc chắn quý mến triết tâm của các cành hoa phảng phất bụi phấn thiền ý không thay đổi theo thời gian trong vườn thiền thi của nhà thơ Hoa Văn.  Chân thành đa tạ VH Hoa Văn đã chia sẻ vườn thi hoa lấp lánh ánh sáng ngọc ngà của tinh hoa thiền ý quý báu.

“Đến với tôi
Tình bạn đầy kho báu
Chia sẻ nỗi đời tựa bằng hữu thâm giao

Mãi trong tôi
Chân tình của bạn … tri kỷ cuối đời
vĩnh viễn tri âm.”
(“Tiễn tri kỷ”
Vịnh Thanh viết cho những người bạn)

Vịnh Thanh

2015-11-5

T.B.: Phù du là con nhện bò trên mặt nước sáng sinh chiều chết do đó đời người ngắn ngủi được ví von là kiếp phù du.  “Nhân sanh dị tử, nãi viết phù du tại thế” (mạng người dễ chết, nên mới nói như kiếp con phù du ở đời).