VĂN

CẢM NHẬN THƠ SONG PHƯỢNG – DUY XUYÊN

Cảm Nhận Thơ

Bài 1: Thơ Song Phượng
Tình Mong
Trời thường ảm đạm lúc vào đông
Nuối tiếc làm sao ánh nắng hồng
Cảnh cũ còn đây người chẳng thấy
Vườn xưa vẫn đó bóng thì không
Em luôn giữ mãi câu thề hẹn
Anh đã quên rồi chữ nhớ mong
Lặng lẽ một mình nơi bến vắng
Tình khi được gặp thoả tâm lòng
Song Phượng 28.05.2013

Kính gởi Quý Niên Trưởng, Quý Văn Thi Hữu Văn Nghệ Tự Do

Tôi lang thang trong vườn hoa của một chiều Đông ảm đạm. Trời mây thật buồn. Bất giác tôi tiếc nuối những tia nắng hồng, xuyên qua kẽ lá cành cây của một buổi sáng có gió nhẹ. Vài vệt sáng long lanh nằm trên mái tóc Biển đang chảy dài như dòng suối chảy ngược về tim.

Tôi xoa nhẹ tóc nàng: – Em có nhớ gì không?

Nàng ngẩn ngơ chưa hiểu tôi muốn hỏi nàng những gì, nên Biển hỏi lại: – Anh nói gì mà em chưa hiểu?

Tôi dỗ dành nàng: – Ngày xửa… ngày xưa … trong muôn ngàn kiếp trước, anh đã dìu em đến dòng suối này, Ngay phiến đá trắng, di tích của nụ hôn cổ tích vẫn còn in dấu môi em đây. Tôi chỉ cho Biển thấy, hai vệt cong có hình bán nguyệt chấp lại như một vành môi.

Biển tư lự hỏi tôi: – Em không tin. Theo em nghĩ đây là lần đầu tiên anh và em đến nơi này.

Tôi giải thích thêm: – Đúng vậy! Trong kiếp này, đây là lần đầu, tại dòng suối này, anh đưa em đến đây. Nhưng trong tiền kiếp, anh luôn mời mọc cho bằng được, em phải đến đây, để dòng suối chứng kiến tình sử của đôi ta trong nhiều kiếp. Dòng suối mơ mộng này, anh đã đưa em đến, rồi em lại bay đi. Em đã về Trời vì em là Thiên Sứ. Nhưng em luôn giữ câu thề hẹn và cứ mỗi năm khi những cành huyết phượng nở đỏ rực em lại về. Em ạ! Anh cũng chưa bao giờ quên nỗi nhớ mong. Anh sống trong vô vọng, chỉ một mình lặng lẽ đứng chờ em suốt những ngày dài bên bờ suối mộng này. Trời cao cũng hiểu thấu tâm tình của gã tình si này nên cứ đến Hạ, ngài cho anh gặp em một lần rồi sau đó bắt em về Tây phương, để anh cô quạnh một mình… Tôi mơ màng trong men tình dịu vợi…

Choàng thức giấc, cơn mộng du vẫn còn âm ỉ trong tôi. Tôi vội xuống bếp, pha một ly cà phê thật đậm, ngồi ngay tại cánh cửa sổ để nhâm nhi giọt đắng. Tôi thêm sữa vào cốc cà phê, tôi lấy thìa đưa nhẹ dưới đáy ly. Tiếng động làm bày chim đang ngủ trên hiên nhà hoảng sợ bay vun vút, rồi đậu rãi rác trên cành phượng trước sân nhà. Còn đang mùa Xuân , Hạ chưa về, nên hoa phương còn giấu mình dưới những chiếc lá xanh, chờ khoe sắc thắm.

Sau một vài hớp cà phê, tôi vội tìm máy điện toán và mở điện thư ra đọc. Bất ngờ tôi tìm thấy bài TÌNH MONG của nữ sĩ Song Phượng. Tôi ngấu nghiến và mơ hồ nghĩ vẫn vơ… Tôi đọc kỹ bài thơ với một nỗi xúc động vừa dằn vặc vừa đam mê… Chữ nghĩa của Song Phượng quá tuyệt vời ! Nàng dùng chữ rất giản dị nhưng thanh âm cao vút đã nói lên được ý thơ, lời thơ một cách tuyệt hảo. Có ai thấy trong một bối cảnh của một mùa Đông ảm đạm thì Song Phượng lại mơ ước ánh nắng hồng. Chỉ chừng ấy thôi, tôi đã nghe thấy âm vang giao động của những giọt nắng đang nhảy múa, hát vang trong một buổi sáng mà những hạt sương long lanh đang ấp ủ những chiếc lá cô đơn trong vườn hoa tươi thắm mà môi ai đang nồng.

Trời thường ảm đạm lúc vào đông
Nuối tiếc làm sao ánh nắng hồng*

Cảnh cũ mà Phượng đang ngóng trông là một khu vườn cổ tích, có người xưa đã dìu Phượng trong giấc mộng thật xa xưa. Rồi người tình biền biệt ra đi, để Phương ngóng trông từng giây trong cõi quạnh hiu. Chữ nghĩa của Song Phượng là một thế giới vô hình, nó vừa thước tha như đàn bưóm trong vuờn hoang vùa trang nghiêm như cảnh chùa tĩnh mịch.

Tôi là người chưa biết làm thơ nên không am tường lắm nhưng qua thơ của Song Phượng đã gieo vào tim tôi dãy đầy nụ ấm như răng môi tôi đang hôn nhẹ người tình trong mộng mị. Chỉ có 8 câu ngắn ngủi, từ ngữ chất phát, giản dị mà nữ sĩ Song Phượng đã nói lên được nỗi lòng cách biệt, chờ mong. Rất tiếc tôi chưa có đủ tài năng để diễn đạt những ý nghĩ sâu xa trong thi ca mà Song Phượng đã là một trong những người đã làm cho Văn Học, thi ca, nghệ thuật của hội Văn Nghệ Tự Do mõi ngày mỗi phong phú Cho phép tôi được học thuộc lòng những từ ngữ tuy thật đơn giản nhưng đã mang nhiều hàm ý mà chính tôi cần học hỏi của Song Phượng. Cho phép tôi được ca tụng Song Phượng như một nữ sĩ tài danh… như các Văn Thi Hữu trong V ăn Ngh ệ T ự Do

Bài 2: Thơ Vinh Hồ

Nhớ

Họa thơ Song Phượng
Tết đến rồi nhưng trời vẫn đông
Rừng trơ cành đứng nhớ xuân hồng
Công viên im ắng mơ sương khói
Ghế đá lạnh lùng mộng sắc không
Bến nước hoang liêu hoài tiếc nuối
Người tình thất lạc mãi thương mong
Chiều nay ngồi đọc bài thơ cũ
Bỗng nhớ về Em héo hắt lòng.

Vinh Hồ 24/5/13

Rồi chỉ trong một thoáng giây như ngậm ngùi, như tiếc nuối, nhà thơ Vinh Hồ không chần chừ gieo vận để họa lại bài thơ của Song Phượng, với tựa đề NHỚ.

Chỉ vỏn vẹn có một câu nhập đề 7 chữ, thi sĩ Vinh Hồ đã sáng tạo được một bức tranh mùa Đông rét mướt. Tết đã đến mùa Xuân còn lạnh lẽo, giá buốt phủ giăng, cho ta cái cảm giác cô đơn và lạnh giá! Trời mây ảm đạm. Bầu trời như u – uẩn một tình khúc trong một buổi sáng buồn.

Thơ Song Phượng nói lên nỗi nhớ, niềm mong đợi thì ngẫu nhiên Vnh Hồ cũng đã đáp lại được Người tình vẫn chờ. VH đã không để cho một người tình đang chờ đợi mà thi sĩ Vinh Hồ còn nhân cách hóa cả một rừng thơ đang đứng ngẫn ngơ với những cành cây dường như mõi mòn chờ đợi! Sao người tình chung chưa đến? Hàng cây vẫn lặng thinh đứng đợi trong vô vọng… khi người tình vẫn mãi mãi phương xa.

Thơ Song Phượng có vườn hoa, thơ Vinh Hồ có công viên thuở xa xưa, có mây trời hiu hút mờ khói sương chiều, có mây bay thật thấp trên chiếc ghế đá lạnh câm trong im ắng, mà người tình đang ngồi để chờ đợi một hình bóng xa xưa, nhưng hoài công. Vô thuờng là thế! Có,,, có! Không … Không. Vì chẳng còn tồn tại trên cõi đời này. Thơ của Vinh Hồ là bài thơ tình nhưng bao dung cả thiền, cả những triết lý Phật giáo mà bản ngã của con người từ không đến có, rồi thân xác cũng sẽ thành cát bụi. Cát bụi phải trở về cát bụi. Ồi ! CÁT BỤI từ cái không lại trở thành có, quanh quẩn trong ta. Vô thường là thế!

Rồi bỗng chốc Vnh Hồ dở lại những dòng thư cũ, gợi nhớ lại người mình yêu thương, song một thoáng giây tận cùng của nỗi nhớ cho đến vĩnh hằng và vô thường trong tình yêu đôi lứa.Vinh Hồ là một nhà thơ đã thành danh tại hải ngoại.

Tôi đã không dám bình thơ Vinh Hồ mà tôi chỉ đọc thơ Vinh Hồ qua cảm xúc ghi nhận của con tim trong nhiều bài thơ của Vinh Hồ.

Giữa Song Phượng, Vinh Hồ và cá nhân tôi chưa bao giờ gặp gỡ nhau. Chúng tôi chỉ biết nhau qua những vần thơ trao đổi học hỏi lẫn nhau. Tôi kính trọng Vinh Hồ vì anh đã có những vần thơ yêu quê hương, đất nước./-

Bài 3: Thơ Tố Anh

Ở đây trời đã hết mùa đông
Xuân đến, hè sang rực ánh hồng
Nhớ bạn ngày xưa hay hứa cuội
Hẹn người năm cũ, lại nói không
Thế mà trách móc chàng quên hẹn
Nên đã giận hờn kẻ nhớ mong
Đâu biết người ta yêu đắm đuối
Phượng ơi! trách vội để đau lòng.

(Tố Anh)

Mùa Đông cũng vùn vụt trôi nhanh. Tuyết ngưng bay, thổi trắng áo ai trên đường về. Nụ cười đỏ thắm trên môi hoa hậu phu nhân Tố Anh, thênh thang, dìu dịu như trời mây Florida. Mùa Xuân len lén trở về trải thảm trên những con đường có bông hoa đua nở, rộn ràng… như Nữ sĩ Tố Anh đã viết:

“Ở đây trời đã hết mùa đông
Xuân đến, hè sang rực ánh hồng”

Nắng Hè chứa chan trên các đường phố, có ai đó đang dìu ai trên đường đi dưới nắng. Nụ cười trên vai người tình còn đọng trong mi mắt. Tình Yêu oà vỡ! Môi ai thắp lửa tô hồng môi em.

Tố Anh và Song Phương là đôi bạn thâm giao. Chuyện gì cũng kể cho nhau nghe. Cũng có thể hai Nữ sĩ này hiểu nhau quá nhiều nên biết rõ tình ý nhau:

“Nhớ bạn ngày xưa hay hứa cuội
Hẹn người năm cũ, lại nói không”

Cũng có thể Song Phượng đã hẹn với người tình xưa mà chỉ có Tố Anh mới biết được chuyện này, nên Tố Anh đã đùa như vậy?!

Hoặc Song Phượng có hẹn mà không đến điểm hẹn. Trời mà biết. Tố anh ơi! Cho huynh Duy Xuyên tò mò một tí: – Song Phượng đã ‘hứa cuội’ với người tình xưa mấy lần rôi?

Nhưng không sao! Trong đời ai lại không một lần lỡ hẹn… Có phải không Song Phượng?

NGƯỜI TÌNH XƯA, NHA TRANG MÌNH XA BIỀN BIỆT
MƯỜI MẤY NĂM RỒI CÒN TRĂN TRỞ NHỚ THƯƠNG

* (Chế Phong Thanh)

Chuyẹn gì cũng có thể xảy ra…

Ai quên hẹn với ai? Song Phượng hay người tình tài danh của Song Phượng mà chàng là một người đã bao lần ru hồn cô học trò bé nhỏ của thành phố biển thân thương mà nay tiếng đàn, lời ca vẫn còn réo rắt trong tim ai, vẫn còn đọng lại đâu đó trên cành phượng vĩ của một thời áo trắng tung tăng trên biển mộng, quên lời Mẹ dặn dò mà điểm hẹn chỉ còn là cổ tích rồi trách móc người xưa?

“(… Vết nồng cháy trên môi em! Ai để lại tình đầu

Thế cũng đủ! Em đừng sầu trong giấc mộng

– Chế phong Thanh)

Thế mà sao trách móc chàng quên hẹn:

*Nên đã giận hờn kẻ nhớ mong

Hai câu kết của Tố Anh đã nói lên nỗi giận hờn của Song Phượng vẫn còn ray rứt đong đầy trong lòng.

*Đâu biết người ta yêu đắm đuối

Phượng ơi! trách vội để đau lòng.

Thơ của Tố Anh vừa vui, vừa đùa, đã nói lên đưọc tâm tình của đôi bạn Trường Nữ Trung Họ Nha Trang, đã đào tạo ra nhiều thi nhân tài danh như Song Phượng, Tố Anh, Hoài Niệm, Phạm Phan Lang, Diệu Nga, Phương Lan và nhiều người khác …

Bài 4:Thơ Ngô Trưởng Tiến

Tình Nhớ

Lạnh trọn đem dài khi lập đông
Xa nhau còn nhớ cặp môi hồng
Xuân sang chốn ấy em vui vẻ?
Thu đến nơi này anh vẫn không
Duyên kiếp đôi ta thì đa định
Cuộc đời hai đứa đanh chờ mong
Nơi đây anh cứ luôn trăn trở
Tình đã bay xa tan nát lòng

Ngô T Tiến.

05/29/2013

Trên đây là bài thơ của Ngô Trưởng Tiến, để họa bài xướng của Nữ Sĩ Song Phượng qua bài Tình Mong. ( Diễn đàn Văn Nghệ Tự Do.

Tôi nghẹn ngào trong cơn xúc động bùi ngùi khi vừa mới đọc một câu mở đầu trong bài thơ họa của nhà thơ Ngô Trưởng Tién “Tình Chờ” qua bài “Tình Mong” của Nữ sĩ Song Phượng.

Một người đang mong. Một người đang chờ.

Thi ca bao giờ cũng là nguồn gốc của hạnh phúc! Ước ao! Và vĩnh hằng!

Nhà thơ Ngô Trưởng Tiến đã thả hồn mình trong tâm tư của nỗi nhớ, triền mien suốt cả một mùa Đông rét mướt, rũ buồn, trong lời thơ … Tình Nhớ. Dường như có cái gì đó vừa báo hiệu cho một mùa Đông giá rét kéo về, với gió bấc từng cơn thổi lạnh buốt:

“ Lạnh trọn đem dài khi lập Đông …”

Tôi liên tưởng đến một đêm Đông, ngoài trời tuyết đổ, gió thét gào, trong căn phòng cô đơn, hay trên một gác trọ lẻ loi, một mình Ngô Trưởng Tiến thì thào trong nỗi thương niềm nhớ:

“Xa nhau còn nhớ cặp môi hồng…”

Chao ôi! Xa nhau đã từ lâu, nụ hồng vẫn còn hằn sâu trong tế bào hệ lụy, vương vấn mãi trong đời.

Tôi cảm nhận, người yêu của Ngô Trưởng Tiến là bóng mát của cuộc đời, bao quanh tâm tư nhà thơ mà hình dáng khó nhạt nhòa, để đến nỗi, dù chim trời đã bay xa, nhưng nhà thơ lại thở dài trong lo lắng: “Xuân sang chốn ấy em vui vẻ?

Câu hỏi rất chân tình.

Ngô trưởng Tiến buồn ray rứt nhưng mãi mong chờ Người Mình Yêu luôn được hạnh phúc! Vui vẻ!

Cao quý thay! Cho một tình yêu thanh khiết! Cao thượng thay cho chim trời vỗ cánh bay xa! Chao ôi Người Tình của Ngô Trưởng Tiến là người hạnh phúc nhất rồi đó! Trong đời sống bình thưong, người ta chỉ nghĩ đến người yêu trong một thoáng giây gọi nhớ, nhưng qua lời thơ, tôi cảm nhận tình yêu mà nhà thơ Ngô Trưỏng Tiến dành cho Người Mình Yêu quả là một tâm tình tuyệt vời ít người có đuợc. Tính chất, trong cung cách vùa lãng mạn vùa hiện thực theo lối viét thả hồn thơ lãng mạn,

như sóng vỗ tràn bờ, để cho con tim mình đuọc tự do buông theo những cảm xúc mênh mông:

” Lạnh trọn đêm dài khi lập đông

Xa nhau còn nhớ cặp môi hồng…”

Nhưng sau đó tình cảm chân thật lo lắng cho người yêu, nên nhà thơ đã thể hiện tâm tư của mình qua đời thường, rất hiện thực trong cung cách thi ca cổ điễn, tình thương, sự săn sóc, nỗi âu lo… “Xuân sang chốn ấy em vui vẻ?

Giờ đây, Ngô Trưởng Tiến đã dùng lý trí, kiềm hãm con tim trong thác loạn trào dâng và trở về hiện thực: – Sao em có vui không?

Mùa Đông tuy giá lạnh, âm hưởng của tuyết trời rũ buồn nhưng vừa chớm Xuân, nhà thơ đã nghĩ ngay đến người yêu, nên tự hỏi: “Nơi đó em có vui không?

Ngô Tưởng Tiến thật là một người tình thật cao quý của con chim đang tung cánh trên bầu trời Xuân với nắng ấm chan hòa…

Lá Thu bắt đầu rơi, trời Thu thường thường vẫn là những ngày buồn dai dẳng, kéo theo những nỗi nhớ triền miên trong tâm tư thật ảm đạm:

“Thu đến nơi này anh vẫn không

Duyên kiếp đôi ta thì đã định…”

Theo tôi nghĩ nhà thơ Ngô Trưởng Tiến là một người tin theo thuyết định mệnh. Con chim kia có màu lông tuyệt vời mà hình hài nàng là nỗi nhớ liên tưởng, khắc khoải khó phai. Và cuộc đời hai đứa đành chờ mong ngày hội ngộ:

“Nơi đây anh cứ luôn trăn trở

Tình đã bay xa tan nát lòng”

Tôi cảm phục Ngô Trưởng Tiến chỉ có 8 câu thơ vỏn vẹn đã gây cho chính tôi, nỗi bùi ngùi trong nhung nhớ xa xưa…

Thơ Ngô Trưởng Tiến rất đơn giản đến độ không cần chải chuốc, người đọc hiểu ngay ý thơ, tình thơ một cách mạch lạc với nỗi trăn trở khi mất người yêu.

Cách dùng từ ngữ của Ngô Trưỏng Tiến rất mộc mạc, ngôn ngữ trong thi ca thật chất phát làm cho tôi cảm xúc thật mãnh liệt mà những rung động trong xương tủy tôi réo gọi những nỗi nhớ mơ hồ…

Cho tôi xin phép cám ơn nhà thơ Ngô Trưởng Tiến với nổi xúc động chờn vờn.

Tôi mong sao trong đời này, hay muôn ngàn kiếp mai sau, loài chim xinh đẹp kia sẽ bay về chập chờn trong giấc ngủ rồi đậu nhẹ trên vai của nhà thơ để nỗi nhớ bớt vương sầu và hạnh phúc bao giờ cũng đuợc ban phát cho tình yêu chung thủy.

Duy Xuyên

Tacoma

Tháng 5/ 2013